Niêm yết giá ở chợ: Ghi một đường, bán một nẻo

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 06/10/2017 (GMT+7)

Bán không đúng giá, nói thách- người mua trả giá, kỳ kèo “bớt một thêm hai”, là thói quen của rất nhiều người khi mua- bán hàng ở chợ. Cách bán hàng “ghi một đường, bán một nẻo” ở các chợ cũng đang khiến không ít người tiêu dùng dần mất lòng tin.

Việc niêm yết giá và bán đúng giá giúp tiểu thương tạo được lòng tin cho khách hàng.
Việc niêm yết giá và bán đúng giá giúp tiểu thương tạo được lòng tin cho khách hàng.

 “Kỳ kèo bớt một thêm hai”

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian qua, việc niêm yết giá, kê khai giá và bán đúng giá niêm yết ở các chợ, nhất là chợ nông thôn vẫn còn nhiều sai phạm.

Qua kiểm tra, vẫn còn cơ sở niêm yết giá không đúng quy định, bán chưa đúng giá niêm yết và có tình trạng niêm yết giá với chữ “K”, hàng hóa không có xuất xứ nguồn gốc...

Ghi nhận tại một số thị trường nông thôn, vẫn còn nhiều điểm kinh doanh mặt hàng như quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng... không niêm yết giá.

Một số chỗ có nhưng theo kiểu “đối phó”, niêm yết cho có, hoặc bảng giá từ... năm trước. Trong vai người mua, thắc mắc sao không niêm yết giá thì chủ cửa hàng cho hay: hàng hóa nhiều, lại thường xuyên nhập hàng mới, giá cả lên xuống thất thường, việc ghi giá mất nhiều thời gian, chỉ khi quản lý thị trường “làm căng” quá thì mới niêm yết.

Một tiểu thương bán quần áo ở chợ Song Phú (Tam Bình) cho hay: Niêm yết giá hay không thì người mua cũng trả giá, nên nhiều khi… quên.

Không tin vào tiểu thương là tâm lý của đa số người mua hàng, thêm vào đó, nhiều nơi có niêm yết giá song giá bán hàng lại chênh lệch khá nhiều nên người tiêu dùng lại thêm mất lòng tin.

Hình thức niêm yết giá bằng “K” gây không ít khó chịu cho người tiêu dùng.
Hình thức niêm yết giá bằng “K” gây không ít khó chịu cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thúy Loan (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho hay: “Ở chợ, tôi thấy vẫn có nhiều chỗ không để bảng giá nên muốn mua gì cũng phải tham khảo một vòng xem giá ở nhiều nơi rồi mới quyết định. 

Có lần tôi ghé một chỗ bán giày dép mua giày, chủ tiệm nói giày xịn 320.000 đ/đôi, tôi trả giá thì bớt được 20.000đ. Hôm sau ghé shop khác thấy đôi y chang mà chỉ có 260.000đ. Riết tôi đi mua chỗ nào cũng trả giá”.

Đó là chưa kể, gần đây, nhiều chủ cửa hàng niêm yết giá bằng chữ “K” thay cho “đồng”. Tình trạng này cũng xuất hiện nhiều ở các hội chợ, gây không ít khó chịu cho người mua hàng, lại vi phạm quy định.

Cô Trần Thanh Tiền (xã Hòa Phú- Long Hồ) cho hay: “Tôi đi hội chợ thấy có nơi bán hàng ghi 5K, 10K, 100K không hiểu giá vậy là như thế nào. Sau này mới biết đó là cách tính tiền theo “tuổi teen”, thấy không quen mắt nên tôi cũng ít mua ở những nơi như vậy”.

Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1- cho biết: Trên địa bàn TP Vĩnh Long vẫn còn trường hợp không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, niêm yết giá không đúng quy định, niêm yết giá mang tính hình thức để đối phó, nhất là hiện tượng niêm yết giá không đầy đủ đơn vị tiền, gây phản cảm như: 30K, 100K, 200K,...

Đừng để mất lòng khách, thiệt tiểu thương

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giá.
Cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giá.

Tâm lý “vào chợ mua hàng là phải trả giá” bởi “nếu không thì bị mua hớ nhưng trả giá thấp quá thì bị người bán khó chịu, cằn nhằn” khiến không ít tiểu thương mất khách hiện nay.

Trong khi đó, hình thức bán đúng giá đã phổ biến ở các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các cửa hàng tiện lợi, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc niêm yết và bán đúng giá chỉ là một phần nhỏ trong văn hóa thương mại, văn hóa bán hàng. Nhưng ngoài việc bán hàng chất lượng, nguồn gốc rõ ràng thì tiểu thương cũng cần phải chú ý đến việc này.

Bởi không chỉ thực hiện đúng quy định mà còn thể hiện sự tôn trọng khách hàng, giữ uy tín, tạo lòng tin cho khách.

Nếu không thay đổi thói quen nói thách- trả giá của cả người bán lẫn người mua theo phương thức kinh doanh, mua sắm hiện đại “bán đúng giá” thì chợ sẽ khó thu hút và giữ chân khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Tố Quyên cho biết: Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm để thay đổi thói quen của tiểu thương lẫn người tiêu dùng.

Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thực hiện văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân. Bên cạnh đó, Ban quản lý các chợ cũng cần phải siết chặt việc niêm yết giá, hạn chế tiểu thương lợi dụng biến động giá cả để tăng giá bán.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN