Nhiều trăn trở để bật lên vùng chuyên canh cây lác

Cập nhật, 13:44, Thứ Tư, 04/10/2017 (GMT+7)

Trở lại xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm) sau trận hạn, mặn bất ngờ năm 2015- 2016, cây lác hôm nay đã hoàn toàn “khởi sắc”. Diện tích cây lác hàng năm được mở rộng, xã chuyên canh cây lác vẫn... xanh rợp màu xanh ruộng lác.

Người lao động, xe cộ các nơi đến “ăn hàng” sản phẩm cây lác rộn rịp tiếp thêm sức bật cho loại cây công nghiệp của địa phương này.

Khoảng 70% dân lao động trên địa bàn xã liên quan đến cây lác.
Khoảng 70% dân lao động trên địa bàn xã liên quan đến cây lác.

Cây lác chất lượng- người dân khỏe

Xã Trung Thành Đông có diện tích trồng cây lác lớn nhất huyện Vũng Liêm. Từ đầu năm 2017 đến nay, diện tích cây lác phát triển mới hơn 8ha, nâng tổng cộng toàn xã có 227,86ha đất trồng lác.

Cây lác chiếm 2/3 diện tích đất nông nghiệp, như một bức tranh kinh tế thu nhỏ trên địa bàn. Toàn huyện Vũng Liêm, hiện có 305ha lác, tăng 20ha.

Năm nay, lũ về sớm, xâm nhập mặn không ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lác. Thêm vào đó, người dân vận dụng kinh nghiệm chăm sóc có hiệu quả, cây lác “chất lượng” hơn trước. Năng suất lác đạt 18 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng lác đạt hơn 4.100 tấn/năm.

Từ cây lác, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tác động đến đời sống nông dân rõ rệt. Ông Châu Minh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông nói: “Từ việc trồng lác, các vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của xã được giải quyết tích cực: việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, cải thiện và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.

Cực nhất là khâu phơi lác, phải canh trải ra lúc nắng, gom vào khi mưa. Nhưng xe lõi lác hay làm thủ công mỹ nghệ thì ai cũng có thể tham gia, không giới hạn tuổi lao động.

Dọc theo Đường tỉnh 907 và các tuyến đường xã, những bó lác vừa thu hoạch xong phơi ở 2 bên vệ đường thẳng tắp.

Chúng tôi trò chuyện với chú Mười ở ấp Đại Nghĩa đang quần quật với từng “bó lác búng đuôi banh chày ra phơi gốc”. Nắng càng nhiều, lác phơi càng đẹp.

Trúng mùa, từng cọng lác trắng xanh, xòe như những cánh quạt mở rộng. “Quanh năm, luôn vần công như vậy, ruộng nhà hết thì lại làm ruộng nhà hàng xóm kế bên”- chú Mười mau mắn.

Xe lõi, đan hàng thủ công mỹ nghệ là một trong những việc làm tạo thêm thu nhập có hiệu quả từ cây lác cho người dân trên địa bàn.

Trước hiên nhà, bên máy xe lõi lác, cô Châu Thị Hên ở ấp Đại Nghĩa hiền hậu nói: Cô tận dụng thời gian rảnh rỗi, mua cọng lác loại 3, lác “dạt” tại đại lý thu mua rồi về xe lõi, bán lại cho hợp tác xã sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Mỗi cuộn lác 1kg cô làm 30 phút, bán được cỡ 14.000đ. Ngày làm được 10kg.

Cô nói mua máy xe lõi này chục năm trước cũng hơn 2 triệu, giờ máy như vậy cỡ 4 triệu đồng. Những vốc lác xe xong cuộn tròn để ngay ngắn sang một bên, chờ giao hợp tác xã để làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Đưa cây lác vươn xa hơn

Vựa thu mua cây lác thành phẩm của anh Điều luôn sẵn hàng chờ thương lái đến “ăn”.
Vựa thu mua cây lác thành phẩm của anh Điều luôn sẵn hàng chờ thương lái đến “ăn”.

Đảng bộ xã Trung Thành Đông xác định cây lác là cây chủ lực phát triển. Toàn xã có 6 ấp, trong đó 3 ấp (Đại Nghĩa, Đại Hòa và Phú Nông) có 100% diện tích đất trồng cây lác.

Hướng tới, xã tiếp tục khuyến khích phát triển cây lác trên diện tích đất nông nghiệp “giáp ranh” hoặc nằm trong vùng chuyên canh cây lác.

Hiện xã có 2 hợp tác xã về cây lác, một nông nghiệp và một tiểu thủ công nghiệp. Lao động tại địa bàn tham gia công việc có liên quan cây lác đến 70%.

Toàn xã có tổng cộng 650 máy xe lõi lác, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vì trong dân công việc gắn với cây đặc thù này luôn cao. Có thêm nhiều máy xe lõi lác nữa là nâng cao hơn giá trị cây lác thành phẩm.

Xe lõi lác- việc quen thuộc và nhu cầu luôn cao, đóng góp vào kinh tế hộ ở vùng chuyên canh cây lác.
Xe lõi lác- việc quen thuộc và nhu cầu luôn cao, đóng góp vào kinh tế hộ ở vùng chuyên canh cây lác.

Bên cạnh, đầu ra của cây lác vẫn còn nhiều trăn trở. Giá cả thu mua lác phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả của sản phẩm chiếu trên thị trường và trực tiếp bị ảnh hưởng chất lượng do thời tiết.

Mùa tết, nhu cầu sử dụng chiếu cao và thời tiết thuận lợi thì cây lác “đẹp” dẫn đến giá lác cao. Còn khi trời mưa, lác bị giảm chất lượng.

“Cây lác cũng như đồ hàng bông, phụ thuộc thị trường”- anh Võ Ngọc Điều- chủ 1 trong 4 điểm thu mua lác lớn trên địa bàn xã nói.

Hiện tại giá cây lác loại 1 thu mua từ 13.000- 14.000 đ/kg, loại 2 khoảng 12.000- 12.500 đ/kg. Loại lác không đủ kích thước thường bán cho người dân về làm thủ công mỹ nghệ với giá 8.500- 9.000 đ/kg.

Anh Điều vẫn biết rõ “nông dân rất cực khi làm ra cây lác, nhưng lợi nhuận gấp 5- 7 lần lúa trên cùng diện tích”. Như vụ Đông Xuân, mỗi công lác lời 10- 15 triệu đồng, mùa mưa cũng lời 7- 8 triệu.

Ngọn lác bằng nhau, đủ thước tấc từ 1,2- 2m là giá sẽ cao. Cọng lác đẹp và chất lượng sẽ đảm bảo giá cao cho nông dân, lại vừa đảm bảo đầu ra cho thương lái.

Bên vựa chứa 70- 80 tấn lác thành phẩm, anh Điều trăn trở: Thương lái biết đến các điểm thu mua cây lác trên địa bàn chưa nhiều.

Mỗi ngày, anh thăm dò thị trường, giá cả, phương tiện di chuyển, lượng người tiêu thụ thông qua bạn bè. Anh Điều mong nhiều thương lái biết đến hơn, chứ không chỉ gói gọn ở các vùng Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp), Hậu Giang, Hà Nội,...

Cây lác Trung Thành Đông nổi tiếng gần xa bởi chất lượng của chính bản thân nó. Sau những ngày bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn cao lên đến 9‰, giờ đây cây lác đã dần “khởi sắc” trở lại.

Nông dân, thương lái đã thấy điều kiện phát triển cây lác với tương lai rộng. Điều cần thêm là kỹ thuật canh tác được đầu tư hơn và thị trường ngày càng quan tâm để đem lại nhiều lợi ích bền vững.

Đầu ra của cây lác vẫn còn trăn trở. Giá cả thu mua lác phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả của sản phẩm chiếu trên thị trường và trực tiếp bị ảnh hưởng chất lượng do thời tiết.

Mùa tết, nhu cầu sử dụng chiếu cao và thời tiết thuận lợi thì cây lác “đẹp” và giá lác cao. Mùa mưa, cây lác bị giảm chất lượng. Cây lác cũng như đồ hàng bông, phụ thuộc thị trường...

Bài, ảnh: MINH THÁI- TUYẾT NGA