Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính 'ngoại'

Cập nhật, 17:01, Thứ Tư, 04/10/2017 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia nước ngoài có góc nhìn lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất là những cải cách mà Chính phủ đang tiến hành.

Nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á tại công ty Capital Economics Gareth Leather nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới - Ảnh: TPHCM nhìn từ trên cao

Tờ Barrons Asia dẫn lời ông Gareth Leather, nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á tại công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics có trụ sở tại London cho hay, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ông cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá khả quan. Xuất khẩu sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhờ nhu cầu toàn cầu vẫn đang tăng.

Nhiều nhà sản xuất cũng đang di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam khi Trung Quốc đang mất đi khả năng cạnh tranh do chi phí tăng và đồng tiền tăng giá.

Theo ông Gareth Leather, động lực chính thứ hai của nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong ngắn hạn, có thể là chính sách tiền tệ nới lỏng (giảm lãi suất).

Tín dụng khu vực tư nhân hiện đang tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Với áp lực lạm phát giảm, chính sách tiền tệ vừa được nới lỏng hơn nữa hồi tháng Bảy vừa qua có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế.

Trên góc độ khác, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) ngành sản xuất Việt Nam cho rằng, "quý III kết thúc với một ghi nhận tích cực đối với các nhà sản xuất Việt Nam khi nhu cầu khách hàng tăng đã thổi luồng sinh khí mới cho lĩnh vực sản xuất.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đáng kể, từ đó giúp sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng nhanh hơn. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối năm”.

Theo công bố mới đây của Nikkei, PMI của Việt Nam đã tăng từ 51,8 điểm trong tháng 8/2017 lên 53,3 trong tháng 9/2017, đứng đầu ASEAN. Kết quả chỉ số cho thấy, các điều kiện kinh doanh trong tháng đã cải thiện mạnh mẽ với tốc độ đáng chú ý nhất từ tháng 4/2017. “Sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất cũng mạnh lên trong suốt 22 tháng qua.

"Tuy nhiên, một lưu ý mang tính cảnh báo là áp lực lạm phát đã xuất hiện trở lại. Mức tăng chi phí mạnh nhất trong sáu năm khi có áp lực đối với nguồn cung nguyên vật liệu. Về phần mình, các công ty đã phải tăng giá bán hàng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2017”, ông Harker nhấn mạnh.

Tại lễ công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADOU) năm 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam đánh giá:

“Bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa”.

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong 6 tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản.

Tại các cuộc tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua ở trụ sở Chính phủ, nhiều tập đoàn, chuyên gia kinh tế nước ngoài bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trao đổi với Thủ tướng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione đánh giá cao thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua và nhìn nhận “một số cải cách mà Chính phủ, Thủ tướng thúc đẩy thời gian gần đây gồm cải cách về thuế, giải quyết nợ xấu đều là cải cách hết sức quan trọng, cần thiết đối với Việt Nam”.

“Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hợp tác với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy các cải cách cần thiết này”, Giám đốc quốc gia WB bày tỏ và đề xuất Chính phủ Việt Nam nghiên cứu, cân nhắc thành lập một đơn vị điều phối cải cách như kinh nghiệm thành công ở một số nước.

Ông Timothy Geithner, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Warburg Pincus bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế của Việt Nam với nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ông cho rằng, Việt Nam đang có nền kinh tế tăng trưởng tốt và có nhiều tín hiệu tích cực, thuận lợi cho việc cải cách. Đó là lý do mà Tập đoàn Warburg Pincus - tập đoàn có 20 năm kinh nghiệm đầu tư tại châu Á mong muốn tìm hiểu và tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp khi đến Việt Nam dự Hội nghị thường niên các nhà đầu tư toàn cầu tổ chức tại Hà Nội, ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cùng nhóm nhà đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam là thị trường năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, hơn nữa, trình độ dân trí cao.

Ông tin tưởng sau đây, các nhà đầu tư quốc tế, nhất là nhà đầu tư châu Âu, Hoa Kỳ sẽ tăng cường tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam.

Một góc nhìn khác của các nhà đầu tư nước ngoài về bức tranh kinh tế Việt Nam là thể hiện qua các con số “biết nói” về tình hình FDI.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên tới 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó vốn giải ngân FDI cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.

Những con số này cho thấy Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài với triển vọng kinh tế tích cực hơn một số nước trong khu vực.

Theo Chính phủ