Truy xuất nguồn gốc thịt lợn: Người chăn nuôi gặp khó khi mua vòng

Cập nhật, 10:36, Thứ Sáu, 11/08/2017 (GMT+7)

Tháng 9/2017, TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt việc truy xuất nguồn gốc lợn, đây là thị trường lớn, tiêu thụ hầu hết số lượng lợn ở Đồng Nai. Do vậy, các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đang tích cực thực hiện nghiêm túc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn. Tuy nhiên, người chăn nuôi đang khó mua vòng truy xuất nguồn gốc.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo có truy xuất nguồn gốc tại hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo có truy xuất nguồn gốc tại hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Thực hiện đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” của TP Hồ Chí Minh, từ ngày 31/7/2017, việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc thịt lợn được triển khai tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Tiếp theo từ ngày 1/9/2017, toàn bộ thịt lợn kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải được truy xuất nguồn gốc. 

Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện tại các chủ trang trại dù đã nghiêm túc thực hiện theo đề án, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề mua vòng cho lợn. Do người chăn nuôi muốn mua vòng truy xuất nguồn gốc buộc phải lên TP Hồ Chí Minh để mua. 

Chị Lê Thị Phương, hộ chăn nuôi tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, gia đình chăn nuôi lợn chủ yếu bán cho thương lái quen để nhập vào thị trường TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên từ đầu tháng 7, muốn bán lợn cho thị trường này buộc phải có vòng truy xuất nguồn gốc, nhưng vấn đề hầu hết các chủ trang trại đều gặp phải hiện nay là không phải lúc nào muốn mua vòng truy xuất nguồn gốc cũng được. 

“Mỗi khi có lợn bán, chúng tôi phải lên tận TP Hồ Chí Minh đăng ký để mua vòng truy xuất, rất bất tiện. Vừa qua, chúng tôi phải gom mấy hộ chăn nuôi lại, cử một đại diện lên TP Hồ Chí Minh mua vòng với số lượng lớn để “dùng dần”, nếu không mỗi lần bán lợn lại phải lên mua, vừa mất công, vừa tốn kém”, chị Phương cho hay. 

Tương tự như vậy, ông Phan Thế Hùng, hộ chăn nuôi lợn tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất cho biết, khi đề án bắt đầu được thực hiện, người chăn nuôi buộc phải làm theo, phải có vòng truy xuất mới bán được vào thị trường TP Hồ Chí Minh, không có vòng thương lái cũng không mua lợn. Để mua được vòng truy xuất, chỉ có thể lên tận nơi mua hoặc nhờ thương lái mua hộ nhưng giá sẽ đắt hơn. 

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai), thời gian tới TP Hồ Chí Minh - thị trường tiêu thụ chính sản phẩm lợn của Đồng Nai siết chặt thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, do vậy bắt buộc các chủ trại nếu bán lợn vào thị trường này phải thực hiện nghiêm túc hơn việc đeo vòng truy xuất. 

Nhằm khắc phục những khó khăn, để người chăn nuôi mua vòng truy xuất nguồn gốc thuận tiện hơn, ông Trần Văn Quang cho biết, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có giải pháp bán vòng qua điện thoại hoặc theo phương pháp chuyển phát nhanh qua đường bưu điện. Theo đó, người chăn nuôi có thể gọi vào đường dây hỗ trợ của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để đặt hàng. Sau đó, đơn vị này sẽ cho người chuyển hàng hoặc thực hiện dịch vụ chuyển phát nhanh qua bưu điện đến tay người mua. 

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, để hỗ trợ cho người chăn nuôi trong vấn đề mua vòng truy xuất nguồn gốc, hiện Sở đang làm việc với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để có thể phân phối vòng truy xuất trực tiếp cho người chăn nuôi thông qua Hiệp hội Chăn nuôi, thay vì phải lên tận TP Hồ Chí Minh để mua vòng như hiện nay. Đồng thời Sở cũng sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho người chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Hiện nay người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng đang có nhu cầu rất lớn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn, do vậy thời gian tới, Đồng Nai sẽ thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Theo đó, tất cả những sản phẩm từ thịt lợn phải có truy xuất nguồn gốc ngay từ đầu, nếu không sẽ không được bán trên địa bàn, trước hết là thí điểm tại TP Biên Hòa. 

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y, tính đến tháng 7/2017, toàn tỉnh có 434 trang trại đăng ký tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, trong đó có 68 trang trại thường xuyên cung cấp lợn về thị trường TP Hồ Chí Minh, với tổng số khoảng 131.000 con lợn được đeo vòng truy xuất. Bên cạnh đó, có 8 lò mổ đăng ký tham gia đề án, trong đó có 4 lò mổ đã cung cấp khoảng 30.000 con lợn được truy xuất nguồn gốc vào thị trường TP Hồ Chí Minh.

Theo Lê Xuân (TTXVN)