Góc nhìn

Tín dụng hướng tới người nghèo

Cập nhật, 13:34, Thứ Ba, 04/07/2017 (GMT+7)

BCĐ Tây Nam Bộ vừa phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2012- 2016) đề án: “Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ”.

Đề án ra đời vào đầu năm 2012 trong bối cảnh tín dụng chính sách xã hội trong vùng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. 5 năm qua, theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đề án đã giúp trên 2,350 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, đã tạo “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chuyển biến tích cực.

Đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2,062 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng (tăng 64,5%) so với cuối năm 2011; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012- 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%.

Nổi bật giai đoạn này là hiệu quả việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý, trong 3- 5 năm, việc tiếp cận nguồn vốn phải hướng tới hộ nghèo, đối tượng chính sách nếu đủ điều kiện có nhu cầu, đồng thời phải hạn chế, đẩy lùi tín dụng phi chính thức, nhất là tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các ngân hàng tập trung cho vay một số chương trình trọng điểm như cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh doanh; cho vay khởi nghiệp, ưu tiên những doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động.

HOÀNG MINH