Kêu gọi "giải cứu" thịt heo

Cập nhật, 07:42, Thứ Ba, 23/05/2017 (GMT+7)

Nhiều ý kiến kêu gọi các nơi bán lẻ giảm giá bán thịt hơn nữa để kích cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp như VinMart (hệ thống Vincom), Co.opmart có thể thực hiện bình ổn giá.

 Diễn biến giá thịt heo ngày càng giảm trong thời gian qua.
Diễn biến giá thịt heo ngày càng giảm trong thời gian qua.

Phát biểu tại hội nghị “Chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi heo” mới đây, ông Lê Thanh Tùng- Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh- cho biết toàn tỉnh hiện còn tồn trên 52.000 con heo đang đến giai đoạn xuất chuồng nhưng chưa bán được, giá heo hơi hiện chỉ còn dưới 30.000 đ/kg. 

Người nuôi lỗ từ 1,2-1,5 triệu đồng/tạ

Theo ông Lê Thanh Tùng, giá heo hơi giảm mạnh từ cuối năm 2016 đến nay, người nuôi lỗ từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tạ. Qua tìm hiểu thị trường, cho thấy nhu cầu sử dụng thịt heo vẫn lớn, nhưng giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao.

Ông dẫn chứng, giá heo hơi hiện thương lái mua khoảng 2,4 triệu đồng/tạ. Khi đưa vào lò mổ chi phí khoảng 150.000 đ/con, bao gồm vận chuyển vào lò mổ, kiểm soát giết mổ, điện, nước và cả vận chuyển ra chợ.

Sau đó, heo còn lại khoảng 60kg thịt xẻ, được bán với giá từ 65.000- 70.000 đ/kg, tùy theo nhóm thịt. Như vậy, tính ra mỗi con heo khi bán ra thu được từ 4,2- 4,8 triệu đồng, chênh lệch giữa giá heo thịt và giá heo hơi từ 1,6- 2,2 triệu đồng/con.

“Trong khi người nuôi lỗ từ 1,2- 1,5 triệu đồng mỗi tạ thì khâu trung gian, từ thu mua đến kinh doanh, mỗi con lợi nhuận 1,6- 2,2 triệu đồng là hết sức bất hợp lý. Điều này không kích thích được thị trường tiêu thụ. Nếu những tồn tại trong khâu phân phối lưu thông không được giải quyết sớm, không kiểm soát được, người chăn nuôi rất khó khăn”- ông Lê Thanh Tùng nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Nguyễn Vũ Phương (Khóm 1- Phường 8- TP Vĩnh Long) đang tồn hơn 100 con heo đến kỳ xuất chuồng, cho rằng chính vì bất cập ở khâu trung gian nên giá bán lẻ mới cao như vậy.

“Thương lái đang thao túng và làm giá với người chăn nuôi. Khi heo có giá, điện thoại xong thương lái tới cửa nhà, còn giờ điện thoại thiếu điều năn nỉ họ cũng không mua. Không có giá chuẩn và cũng không ai kiểm soát nên họ muốn mua bao nhiêu thì mua”- ông bức xúc. Để khắc phục việc này, ông Phương đề xuất ngành chuyên môn cần thành lập ngay các hợp tác xã đứng ra thu mua heo cho người dân với giá thống nhất.

Cũng tại hội nghị này, đa số hộ nuôi đều than vãn nếu giá heo hơi được bán với mức rẻ như hiện nay mà không có giải pháp, người chăn nuôi không thể tái đầu tư và sẽ lâm cảnh nợ nần.

Tăng cường thịt heo tại bếp ăn khu công nghiệp

Để giải cứu ngành chăn nuôi heo, nhiều hộ nuôi đề nghị ngành chức năng cần có biện pháp hạ giá thịt tại các chợ để kích cầu người tiêu dùng, mổ lượng thịt heo đang dôi dư, cung ứng đến các bếp ăn khu công nghiệp, bán cho công nhân, người dân sát với giá heo hơi trên thị trường, nhằm kích cầu.

Các điểm bán phải niêm yết giá công khai để giá thịt chợ giảm theo vì chợ vẫn là nơi tiêu thụ thịt heo nhiều nhất.

Nhiều hộ còn đề nghị các doanh nghiệp bán lẻ thịt heo như Vinmart, Co.opmart... nên giảm giá thịt heo sát với thị trường heo hơi. Bởi theo một số hộ nuôi, với giá heo hơi hiện nay, nếu bán heo thịt 40.000- 50.000 đ/kg thì các doanh nghiệp vẫn có lời.

Giá heo giảm mạnh, không tiêu thụ được nhiều hộ chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn.
Giá heo giảm mạnh, không tiêu thụ được nhiều hộ chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn.

Chia sẻ khó khăn này, bà Nguyễn Thị Minh Châu- Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart- cam kết sẽ ưu tiên sảnh ngoài siêu thị cho hộ nuôi nào có nhu cầu mổ heo mang tới bán mà không tính phí.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Xuân Hồng- đại diện Vinmart- cũng sẵn sàng thu mua thịt heo để bán tại hệ thống của những hộ chăn nuôi an toàn, có chứng nhận của cơ quan chuyên môn.

Nhiều hộ nuôi còn kiến nghị thành lập các sạp thịt do người nuôi tự mổ heo bán với giá cả bình ổn. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công thương- Nguyễn Văn Còn thì đây chưa phải là giải pháp tốt, bởi rất dễ gây xáo trộn, xích mích việc mua bán với các tiểu thương. Bên cạnh là vấn đề nhân công giết mổ, vận chuyển, kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều rắc rối.

“Đừng quên thị trường hiện không chỉ có thịt heo mà còn có thịt bò, cá, hải sản các loại. Vì vậy, chúng ta phát động rầm rộ ăn thịt heo nhưng không khéo lại rối, nhiều khi phải “giải cứu” các mặt hàng khác”- ông Nguyễn Văn Còn lo ngại.

Trong khi đó, ghi nhận tại một số nơi, người chăn nuôi đã “tự cứu mình” bằng cách chủ động tự mổ heo chia thịt cho người quen, họ hàng hoặc bày bán cho người dân địa phương với giá thấp hơn thịt tại các chợ.

Ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- yêu cầu các ngân hàng cùng chia sẻ bằng cách khoanh nợ, giãn nợ và cho người chăn nuôi đủ điều kiện vay để ổn định sản xuất. Kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng tính toán giảm giá bán để đỡ chi phí sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có 72 chợ với khoảng 700 quầy kinh doanh thịt heo. Ông Nguyễn Thành Một đề nghị Sở Công thương phối hợp bố trí mỗi chợ 1- 2 quầy thịt heo bình ổn giá. “Giao Chi cục Thú y tính toán giá heo hơi mua tại nơi nuôi cộng các chi phí khác đến chợ để có một giá thống nhất cùng các tiểu thương các chợ thực hiện”.

Ông cũng kêu gọi các hội phụ nữ, thanh niên phát động trong hội viên tăng cường sử dụng thịt heo nhiều hơn trong các bữa ăn, nhất là các bếp ăn tại các khu- tuyến công nghiệp.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, đến ngày 20/4/2017 có 3.835 khách hàng vay chăn nuôi heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi với dư nợ 269 tỷ đồng. Trước khó khăn của người chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long đã yêu cầu chi nhánh các ngân hàng thương mại chia sẻ cùng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

 

 

Tại hội nghị này, nhiều hộ chăn nuôi đề xuất các giải pháp giải cứu đàn heo: phải tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả để giảm giá thịt heo trên thị trường. Các công ty thức ăn chăn nuôi rà soát toàn bộ các khâu sản xuất, điều chỉnh giá bán để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn trước mắt; các cơ sở sản xuất, chế biến thịt phát huy hết công suất giết mổ, trữ đông và chế biến thịt heo, thêm “đầu ra” cho chăn nuôi heo.

 

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH