Blog thị trường

"Nới" cửa cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Cập nhật, 13:58, Thứ Sáu, 12/05/2017 (GMT+7)

Theo dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công thương, nhiều quy định xuất khẩu gạo bị xem là rào cản trước đây có khả năng được tháo gỡ để tạo điều kiện cho ngành gạo phát triển.

Cụ thể, dự thảo mới đã bãi bỏ Điều 18 về Tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu và Điều 19 quy định giá sàn xuất khẩu gạo trong Nghị định 109.

Theo đó, quy định về giá sàn trong xuất khẩu gạo sẽ không còn được áp dụng. Dự thảo mới cũng mở rộng cửa cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Như vậy, thay vì phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp- PTNT ban hành, thì nay dự thảo mới chỉ yêu cầu có kho chuyên dùng để chứa lúa, gạo và cơ sở xay, xát lúa, gạo phù hợp quy chuẩn chung; đảm bảo điều kiện và được cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm theo quy định.

Dự thảo mới yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo với người sản xuất lúa…

Dự thảo mới đã xóa bỏ cơ chế đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và vẫn đảm bảo được công cụ quản lý, có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành xuất khẩu...

Tham khảo ý kiến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, dự thảo cho phép “thương nhân được xuất khẩu gạo hữu cơ không hạn chế số lượng, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại nghị định này…” là rất đáng mừng và mong điều này sẽ sớm thành hiện thực.

Doanh nghiệp cũng đồng tình với tinh thần sửa đổi trong dự thảo mới này. Cụ thể, việc bỏ giá sàn là quyết định hoàn toàn đúng, thúc đẩy xuất khẩu gạo được cởi mở hơn, tích cực hơn.

Bido2_40.com