Tiếp cận mới trong phát triển kinh tế đồng bằng

Cập nhật, 13:30, Thứ Ba, 25/04/2017 (GMT+7)

Những thách thức biến đổi khí hậu, thu hút đầu tư kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng… được xem là những trở ngại trong phát triển kinh tế của ĐBSCL hiện nay. Trong khi đó, khái niệm về “cách mạng công nghiệp 4.0” đã bắt đầu được đề cập tại các cuộc hội đàm ở khu vực này.

Với dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD của nhà đầu tư Malaysia, đã giúp Trà Vinh vươn lên trong các tỉnh thu hút dự án FDI tỷ USD.
Với dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD của nhà đầu tư Malaysia, đã giúp Trà Vinh vươn lên trong các tỉnh thu hút dự án FDI tỷ USD.

Thách thức cũ và mới

Phân tích về kinh tế ĐBSCL, ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ- cho rằng 4 nút thắt tác động đến kinh tế của vùng hiện nay là: thể chế nông nghiệp, giao thông- hạ tầng, yếu kém khu vực đô thị và biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2016 là 6,2 %/năm, thấp hơn năm 2015 là 7,8 %/năm. Trung bình các năm 2001- 2010 là 10 %/năm, các năm 2011- 2015 là 8,5 %/năm.

Điều này có vẻ đi ngược chiều, trong khi tăng trưởng kinh tế chung cả nước có phục hồi, thì của vùng lại có xu hướng giảm.

ĐBSCL vẫn là vùng thu hút đầu tư kém, trong đó theo ông Võ Hùng Dũng, mặc dù ĐBSCL có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt, nhưng muốn thu hút đầu tư, chắc chắn phải có hạ tầng cải thiện.

Nhìn lại vùng ĐBSCL, hạ tầng được cải thiện rất chậm, 10 năm mới có được cây cầu, cũng nhiều năm nữa mới có đường cao tốc… cơ sở hạ tầng và điều kiện giao thông đang là trở ngại lớn.

Nên việc thu hút đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào các dự án lớn đang thực hiện như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cao tốc Trung Lương- Cần Thơ...

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn (chiếm 8% số doanh nghiệp cả nước) và đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặc dù đã được cải thiện về chất lượng hoạt động nhưng còn thấp khá xa so với bình quân chung.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI- cho rằng điểm yếu lâu nay của ĐBSCL vẫn là chất lượng lao động (2014- 2016 thấp nhất cả nước), hầu hết các nhóm doanh nghiệp đều chưa hài lòng về chỉ số thành phần này.

Bên cạnh đó là việc tiếp cận vốn thấp (thấp thứ 2 cả nước), nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nông- lâm nghiệp- thủy sản là lĩnh vực quan trọng song thời hạn vay vốn lại thấp nhất.

Theo các chuyên gia kinh tế, ĐBSCL còn thiếu liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của vùng. Sức cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ chưa cao, chưa tối ưu hóa chuỗi sản xuất để tạo giá trị gia tăng.

Ông Võ Hùng Dũng cho rằng, ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của vùng ĐBSCL, nhưng hệ thống canh tác chưa ứng dụng được nhiều khoa học kỹ thuật cao.

Cả vùng hiện chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nông nghiệp cung ứng nguyên liệu chưa đồng bộ để tạo nên chất lượng đồng nhất.

Do đó, các tiêu chuẩn về kỹ thuật từ các hiệp định thương mại (FTA) đang là trở ngại cho việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm lợi thế.

Tiếp cận công nghiệp 4.0

Theo TS. Võ Hùng Dũng, muốn thay đổi cấu trúc kinh tế, cần đầu tư cơ sở hạ tầng và phải dựa vào khởi nghiệp.
Theo TS. Võ Hùng Dũng, muốn thay đổi cấu trúc kinh tế, cần đầu tư cơ sở hạ tầng và phải dựa vào khởi nghiệp.

Lần đầu tiên tại Vĩnh Long (trong hội thảo phân tích về PCI 2016), chuyên gia kinh tế cao cấp TS. Lê Đăng Doanh đã trình bày một vấn đề khá mới mẻ: cách mạng công nghiệp 4.0.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ chắp cánh cho cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Chúng ta sẽ chứng kiến những chiếc áo có Internet, những cái kính có Internet.

Chúng ta cũng sẽ chứng kiến người tiếp đón mình ở tòa án, ở bệnh viện không phải là người thật mà là người máy”- theo TS. Lê Đăng Doanh, cuộc cách mạng này đang diễn ra mạnh mẽ như một cơn bão, hứa hẹn mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Trước hết ông khẳng định đây là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục đổi mới, tiếp tục cơ cấu lại, từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với các doanh nghiệp chỉ chạy theo khai thác tài nguyên, buôn bất động sản để làm giàu.

Sức ép từ cuộc cách mạng lần 4 sẽ thúc đẩy chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam thay đổi thể chế, chính sách để bắt kịp với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Tuy nhiên, lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi máy móc sẽ thay thế rất nhiều công việc của con người.

TS. Lê Đăng Doanh lấy ví dụ ở Mỹ, 40% luật sư mới ra trường thất nghiệp vì trí thông minh nhân tạo có thể tra cứu xem một vụ việc bất kỳ liên quan đến những luật nào chỉ trong vòng 60 giây.

Trong lĩnh vực kinh tế, hơn 40% cử nhân Mỹ mới ra trường cũng thất nghiệp do chỉ cần nhập số liệu, máy tính có thể đưa ra hầu hết các biểu đồ hay dự đoán xu hướng.

“Tại Việt Nam, tôi ví dụ trong lĩnh vực sản xuất các loại áo sơ mi giản đơn, công nhân sẽ bị thay thế bằng hệ thống dây chuyền tự động có năng suất lao động cao hơn 500% so với người bình thường”- ông nói, đó là xu hướng phát triển tương lai.

Tuy nhiên, máy móc, không thể sản xuất các mẫu áo tinh xảo, không thể quyết định xem có nên tiếp tục vụ kiện hay từ bỏ, không thể thay các “lão kinh tế già” đưa ra quyết định có nên giữ lại sản phẩm hay không, có nên thay thế thị trường hay không.

“Điều đó cho chúng ta thấy nếu hiểu biết về công việc thì con người vẫn còn chỗ đứng”- TS. Lê Đăng Doanh bảo.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, để biến nguy thành cơ, chúng ta cần đổi mới tư duy, từ bỏ sản xuất, canh tác theo thói quen và truyền thống, từ bỏ chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Trong đó, tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng phải bảo vệ quyền sử dụng lâu dài, hợp pháp của nông dân, tránh ruộng đất tập trung vào các “chúa đất mới” ở nông thôn, quyền sử dụng đất phải được biến thành quyền tài sản.

Chuyển sang nông nghiệp sạch, chất lượng cao, xuất khẩu sang nhiều thị trường thay vì chỉ dựa vào thương lái và thị trường Trung Quốc.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, gọi tắt là 4.0, buộc Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, phải khuyến khích phản biện, nếu không sẽ mãi lùi lại phía sau.

Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra nhờ sự xuất hiện của máy hơi nước, lần 2 liên quan đến động cơ chạy điện, lần 3 là sự xuất hiện của máy tính và Internet thì đến lần thứ 4 này, hệ thống máy móc điều khiển tự động, robot, trí thông minh nhân tạo sẽ là những chủ đề chính.

Bài, ảnh: LÝ AN

TIN LIÊN QUAN