Quyết liệt cải cách chất lượng điều hành

Cập nhật, 04:52, Thứ Sáu, 17/03/2017 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Long đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất, theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

Điều này ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long trong thực hiện các biện pháp nâng cao PCI, quyết liệt cải cách chất lượng quản lý, điều hành.

Được thực hiện năm thứ 12 liên tiếp, báo cáo PCI năm 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp (DN), trong đó có trên 10.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh- thành và gần 1.550 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 14 tỉnh- thành tại Việt Nam.

Vĩnh Long nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để trở thành điểm đến tin cậy của DN.
Vĩnh Long nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để trở thành điểm đến tin cậy của DN.

“Đo” chất lượng điều hành từ góc nhìn của DN

Trong Thông cáo gửi báo chí, TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI khẳng định: “PCI là tập hợp “tiếng nói” của các DN tư nhân Việt Nam. Đây cũng là động lực phát triển đất nước, là chìa khóa để giải quyết vấn đề phát triển, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn về phương diện chính trị, xã hội”.

Theo Bảng xếp hạng PCI 2016, TP Đà Nẵng có năm thứ 4 liên tiếp và là lần thứ 7 dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Sau Quảng Ninh thì Đồng Tháp (64,96 điểm) đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng và đây là lần thứ 9 tỉnh ở vùng ĐBSCL này nằm trong nhóm 5 tỉnh- thành có chất lượng điều hành cao nhất.

Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) được đánh giá đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh- thành có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cùng với Lào Cai (63,49 điểm).

Kết quả điều tra PCI năm 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các DN dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% DN hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng).

Tỷ lệ DN tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các DN tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% DN dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức của năm trước đó.

Điều tra 1.550 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng cho thấy 11% DN FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa số DN FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.

Các DN FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn.

Những nỗ lực cải thiện PCI của tỉnh Vĩnh Long

Báo cáo PCI được coi là “kênh” chuyển tải độc lập, mà các DN có thể dễ dàng phản ánh những vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh tại địa phương, vượt qua được những e ngại, tế nhị khi phản ánh trực tiếp khó khăn của mình với các cơ quan tại chính quyền địa phương.

Lãnh đạo tỉnh có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng DN để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh.

Những sở, ngành của tỉnh bị phản ánh thiếu tích cực qua kết quả phân tích chỉ số PCI thường chịu những sức ép lớn phải thay đổi.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã vận dụng PCI như là “thước đo” trong việc cải thiện chất lượng quản lý, điều hành và vận dụng đó như một lợi thế của tỉnh trong thu hút, mời gọi đầu tư.

Cụ thể, trong năm 2016, tỉnh đã ban hành Chỉ thị 16 nhằm cải thiện tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong vận dụng, điều hành thực thi chính sách của Trung ương và địa phương, tạo môi trường kinh doanh khởi nghiệp, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khởi sự và đi vào hoạt động…

Nhiều DN của Vĩnh Long không ngừng phát triển, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ mới.
Nhiều DN của Vĩnh Long không ngừng phát triển, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ mới.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, nhận xét: “Theo kết quả PCI năm 2016, Vĩnh Long đạt 62,76 điểm, xếp hạng 6, thuộc nhóm rất tốt, tăng 13 hạng so với năm 2015.

Điều đó thể hiện sự cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành theo đánh giá của cộng đồng DN. Những lĩnh vực cải thiện nhiều, đó là: gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền,…” 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, tỉnh vẫn còn những lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục quan tâm để có sự cải thiện tốt hơn trong thời gian tới như các chỉ tiêu về: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý,…

Vì thế, tinh thần cải cách cũng đã lan tỏa rộng đến từng đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, ngay từ đầu năm 2017, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Long đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Ngày 15/2/2017, Vĩnh Long đã công bố vận hành hệ thống một cửa liên thông cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Những động thái trên đây cho thấy sự quyết liệt của Vĩnh Long với việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, trở thành điểm đến tin cậy đối với DN và nhà đầu tư.

Kết quả PCI năm 2016, theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc: “là nguồn động lực, khích lệ để lãnh đạo tỉnh, cùng các ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, cải thiện hơn nữa nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng ổn định, bình đẳng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các DN đang hoạt động.

Qua đó tạo điều kiện để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới. Vĩnh Long luôn lấy sự hài lòng của DN làm thước đo sự thành công trong điều hành kinh tế của địa phương”.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư

Khi lựa chọn địa phương để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư thường cân nhắc nhiều yếu tố bao gồm: cơ hội kinh doanh, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, chi phí, chất lượng đào tạo,…

Mà trong đó, chất lượng điều hành (theo chỉ số PCI) cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sử dụng dữ liệu PCI như một nguồn thông tin có giá trị khi xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại một địa phương nào đó.

Vì vậy, việc thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong thời gian tới sẽ được tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả gắn với việc cải thiện chất lượng điều hành và kết quả PCI đạt được trong năm 2017.  

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC