Bàn tròn hội nhập

Từ chuyện giải cứu chuối...

Cập nhật, 05:09, Thứ Năm, 02/03/2017 (GMT+7)

Sau vô số những “phi vụ giải cứu” hành tím ở Sóc Trăng, khoai tây ở Lâm Đồng, khoai lang Vĩnh Long… nay lại đến lượt chuối già hương ở Đồng Nai đang được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và các cư dân cộng đồng mạng kêu gọi nhau chung tay “giải cứu”.

Sự việc xảy ra vào những ngày đầu tháng 2, khi có thông tin Trung Quốc ngừng thu mua, khiến chuối của nông dân tại huyện Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai) không tiêu thụ được, đành bỏ chín rụng.

Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh này đã liên kết cùng các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động xã hội, cá nhân “giải cứu” chuối bằng cách mua về bán lại giúp nông dân…

Về mặt xã hội, đây là nghĩa cử đẹp, hành động nhân văn. Nhưng đằng sau chuyện “giải cứu nông sản” đã bộc lộ quá nhiều bất ổn. Nhất là nguyên nhân “chuối ế” không mới, cũng là tình trạng trồng ồ ạt, đến khi thị trường dư thừa thì rớt giá, dội chợ.

Chúng ta hẳn còn nhớ những trường hợp giải cứu cho hành tím Sóc Trăng, thanh long Bình Thuận hay khoai lang Vĩnh Long trước đây, đều do sản xuất không gắn thị trường và rồi rơi vào… thế bí.

Rõ ràng, không phải bây giờ mà “tín hiệu trục trặc” của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung- cầu đã bộc lộ trong nhiều năm qua. Nông sản gặp khó đã được nhận diện do thời gian dài, nông dân chủ yếu “hái trái ở cành thấp”, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhất là làm ăn thiếu liên kết.

Trong khi, kênh tiêu thụ, phân phối, phân khúc thị trường nông sản gặp “vấn đề” lớn, nông sản đang bị “chặt ra” thành nhiều khúc trước đến khi đến tay người tiêu dùng.

Hành động nghĩa tình giúp dân mua dưa, mua hành là cần thiết trong cơn nguy cấp. Nhưng quan trọng hơn, từ những bài học giải cứu nông sản vừa qua, mong bộ ngành, địa phương liên quan cần sớm nhận ra, vào cuộc kịp thời đưa các giải pháp dài hơi, bài bản từ khâu sản xuất chế biến đến tiêu thụ xuất khẩu để nghịch cảnh không còn tái diễn. Đó cũng là cách “trả nợ nông dân” bền vững và thiết thực nhất!

HOÀNG MINH