Blog thị trường

Thị trường bán lẻ sẽ về tay ai?

Cập nhật, 07:05, Thứ Sáu, 06/01/2017 (GMT+7)

Khép lại năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt 2.670.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 118 tỷ USD), tăng 10,2% so với năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Kết quả doanh thu và mức tăng trưởng này được giới phân tích nhận định là khá cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Đáng chú ý, theo cơ quan thống kê, doanh số bán lẻ mặt hàng lương thực- thực phẩm tăng đến 13%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,4%; may mặc tăng 10,6%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 1,7%,... so với cùng kỳ năm ngoái.

Nối tiếp những năm trước, năm 2016 tiếp tục chứng kiến sự mở rộng mạng lưới, đa dạng mô hình kinh doanh cũng như thâu tóm hệ thống kinh doanh của các nhà bán lẻ,... mà phần nổi trội vẫn nghiêng về các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi (mở cửa 24 giờ/ngày) đang phát triển rất nhanh ở nước ta hiện nay nhưng hầu như chỉ có doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm đơn vị mỗi thương hiệu.

Theo giới phân tích doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có lợi thế về kinh nghiệm, tài chính và khả năng chịu đựng thua lỗ lâu dài, cuộc chiến này ngày càng khốc liệt, đẩy doanh nghiệp nội địa vào thế khó khăn. Dù thị trường cũng chứng kiến sự phát triển mạng lưới kinh doanh và đa dạng mô hình bán lẻ của Saigon Co.op, VinGroup, Satra,...

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì thị phần bán lẻ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn...

Bido2_40.com