Về "đô thị" mai vàng Phước Định

Cập nhật, 14:13, Thứ Tư, 21/12/2016 (GMT+7)

 

Mai vàng Phước Định luôn góp mặt vào chợ hoa tết Vĩnh Long. Trong ảnh: Chợ hoa tết bên sông Cổ Chiên. Ảnh: VINH HIỂN
Mai vàng Phước Định luôn góp mặt vào chợ hoa tết Vĩnh Long. Trong ảnh: Chợ hoa tết bên sông Cổ Chiên. Ảnh: VINH HIỂN

Nằm không xa TP Vĩnh Long, nên mỗi độ xuân về Làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) lại chộn rộn không kém một đô thị thật sự với hàng ngàn chậu mai chen chúc nhau cùng khách tham quan, tìm mua mai tết và hàng trăm lao động ngày đêm chăm sóc. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi đến làng mai vào dịp này.

“Phố mai” đã đông vui

Điều thích thú nhất khi đến làng mai này là nhà nhà trồng mai, mai làm rào, mai chen cả lối vào nên rất khó nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào.

Về “phố” mai vàng Phước Định giờ khá thông thoáng, bởi từ cuối năm 2015, địa phương đầu tư con đường khá rộng rãi nhằm phục vụ việc vận chuyển mua bán mai của bà con nơi đây, cũng như tạo thuận lợi khách tham quan làng nghề.

Chú Tiêu Hùng Minh (Ba Tiền)- Phó Trưởng Ban đại diện của làng nghề trồng mai vàng Phước Định- cho biết trước đây khi chưa có đường giao thông này, mọi việc chuyên chở mai bán tết chỉ nhờ đường sông và trông con nước. Còn giờ tốt hơn nhiều, bởi chủ yếu vận chuyển bằng xe.

Thương hiệu mai vàng xứ này đã khẳng định, bởi đều là mai 5 cánh, dáng bonsai kiểng cổ, mai y chứ không làm ra loại mai ghép. Điều này đã đáp ứng được nhu cầu nhiều khách hàng “chơi mai” sành điệu, khó tính.

Chú Ba Tiền cho biết đã có hơn 30 năm với nghề mai kiểng, nhưng làng nghề đã có gần 60 năm. Từ thời ông Lê Văn Cung (Tám Cung) có một cây khế cổ rất đẹp đem đi đấu xảo và đạt giải nhất là một cái bình xịt bằng inox- thứ mà trước đây rất hiếm. Rồi “hậu duệ” con cháu sau này của ông hiện vẫn tiếp tục trồng mai, gìn giữ làng nghề...

Những năm gần đây, đời sống người dân khấm khá, nhu cầu tinh thần, nhất là thú chơi hoa kiểng được chú trọng nhiều hơn.

Theo đó, làng mai nơi đây cũng “ăn nên làm ra”, nhất là thời điểm cận tết. Độ khoảng 16- 17 tháng Chạp, làng mai nơi đây bỗng... “đông như phố”. Xe tải 7- 8 tấn từ khắp các thành phố lớn như TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh tấp nập về đây mua mai chở đi chợ tết.

Không khí mua bán từ cánh thương lái các nơi tìm về càng sôi động, “mua bán mai cả trên mạng” làm cho “chợ mai” Phước Định cũng rộn rịp hẳn lên. Chú Ba Tiền cho biết, hơn 65% lượng mai thông thường ở đây chở sang tiêu thụ ở chợ hoa kiểng Vĩnh Long, còn lại ở chợ khác.

Với diện tích chỉ có 200m2, chú Ba Tiền cho biết, hiện vườn chú có trên 300 gốc mai, trong đó có nhiều cây mai cổ từ 50- 70 năm tuổi có giá bán từ 125- 200 triệu đồng/gốc. Mai đã trở thành ngành nghề kinh doanh cho thu nhập cao, nhờ cây mai mà đời sống bà con ổn định và dần sung túc hơn.

Chú Ba Tiền vui vẻ nói: “Gì không biết chứ nếu nghèo nghèo mà bán được một cây mai trung trung thôi là dư sức ăn tết rồi”.

Chăm sóc mai cho dân phố

Vào sâu từng nhà những ngày này sẽ bắt gặp những gốc mai “cao niên” trên trăm năm tuổi, giá trị mỗi gốc lên đến hàng trăm triệu, thậm chí có cây lên đến hàng tỷ đồng “nghinh xuân” đón tết.

Để có cây mai chưng tết như ý không phải dễ dàng. Chú Ba Tiền cho biết, năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên nhà vườn khá vất vả trong chăm sóc cây mai nở đúng dịp tết. Đòi hỏi người trồng mai phải có kinh nghiệm tính toán thời gian lảy lá, cách hãm mai kết nụ hoặc điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp...

Tuy nhiên, với kinh nghiệm, sự đam mê của dân trồng mai nơi đây, chú Ba Tiền khẳng định “sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mai tết!”

Khi hỏi về hiệu ứng sau khi được công nhận làng nghề truyền thống (7/2009), chú Ba Tiền tỏ ra tâm đắc “nhiều cái được lắm”. Nhà vườn thuận lợi hơn trong việc được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ thuật, tay nghề,...

Chú Ba Tiền chăm sóc mai chuẩn bị bán dịp tết này. Ảnh: MINH LIÊM
Chú Ba Tiền chăm sóc mai chuẩn bị bán dịp tết này. Ảnh: MINH LIÊM

Làng nghề còn kết hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long thực hiện thí điểm mô hình chăm sóc mai, đẩy mạnh kết nối với các điểm du lịch sinh thái xây dựng mô hình du lịch- tham quan cây kiểng, tạo điều kiện giới thiệu thương hiệu.

Hiện nhu cầu “muốn chưng mai nhưng không thể trồng mai” của người dân ở phố rất cao. Đáp ứng nhu cầu này, chú Ba Tiền cho biết, làng mai đã hình thành dịch vụ uốn sửa, chăm sóc cây mai sau tết cho nhiều khách hàng tại khu vực TP Vĩnh Long.

“Tết này tôi nhận ký gửi khoảng 50- 60 gốc mai của nhiều chủ tiệm mua bán lớn ở chợ Vĩnh Long, khoảng 27- 28 tết giao hàng, đảm bảo mai ra hoa chắc lọi, đúng tết.”- chú Ba Tiền nói.

Một số hội viên làng nghề còn thành lập tổ dịch vụ bứng, uốn sửa mai theo nhu cầu khách hàng ở đô thị- không riêng ở Vĩnh Long mà còn đi nhiều tỉnh- thành trong khu vực.

 

Mới đây, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long khảo sát và lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động thử nghiệm cho gia đình ông Tiêu Hùng Minh (ấp Phước Định 2) để tưới nước cho gần 100 gốc mai nhà ông, với chi phí trên 10 triệu đồng. Đây là mô hình thí điểm, nếu đem lại hiệu quả cao sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn Làng mai Phước Định trên cơ sở đối ứng chi phí với các hộ trồng mai nơi này.

 

  • ™HOÀNG MINH- THÀNH LIÊM