Ghi nhanh

Giá lúa đã thấp lại lo "nước lũ tràn bờ"

Cập nhật, 05:01, Thứ Ba, 18/10/2016 (GMT+7)

 

Nước tràn QL1- đoạn qua ấp Phú Mỹ (xã Tân Phú- Tam Bình) sáng 17/10.
Nước tràn QL1- đoạn qua ấp Phú Mỹ (xã Tân Phú- Tam Bình) sáng 17/10.

Nông dân rất lo lắng vì lúa Thu Đông bước vào thu hoạch rộ nhưng giá cứ giảm dần. Song, càng lo hơn khi nước thượng nguồn đang đổ về rất mạnh, nước đã tràn bờ đe dọa nhiều ruộng vườn, ao cá…

Giá lúa giảm, khó có lời

Hiện nông dân đang ráo riết thu hoạch lúa Thu Đông, nhưng cảm thấy thất vọng trước tình trạng năng suất thấp, trong khi chi phí thu hoạch tăng cao, giá lúa tươi trên thị trường sụt giảm. Hiện lúa Thu Đông đã thu hoạch hơn 16.700 trong số 51.900ha, năng suất một số nơi chỉ hơn 5,5 tấn/ha.

Ghi nhận tại xã Long Phú (Tam Bình), nông dân vừa thu hoạch cơ bản xong lúa Thu Đông. Anh Dương Văn Lộc có gần 10ha lúa chất lượng cao, cho biết lúa tươi được thương lái mua tại ruộng hiện chỉ 4.200- 4.400 đ/kg, thấp hơn 1.000 đ/kg so với cùng thời điểm năm trước. Cũng không ít hộ lo lắng vì lúa thu hoạch xong không có người mua nên giá cứ giảm dần.

Tương tự, nhiều nông dân tại Mang Thít cũng “ngồi trên đống lửa” vì giá lúa quá thấp. Vác xong mấy bao lúa bán tại ruộng cho thương lái, anh Nguyễn Văn Nhân (xã Bình Phước- Mang Thít) rầu rầu, nói:

“Làm ruộng bây giờ khó khăn quá, lúc lúa cần mưa thì nắng hạn, còn giờ thu hoạch thì mưa dầm, thử hỏi lúa như vậy làm sao có năng suất cao? Vụ này người nào làm ruộng giỏi lắm cũng 30 giạ/công là mừng!”

Theo anh Nhân, do gặp phải mưa dầm nên thu hoạch lúa rất vất vả. Máy gặt năm nay ít, giá cắt họ kêu… trên trời, mà “chất lượng máy thì cà giựt nên cắt đổ tháo quá trời”.

Một số thương lái mua lúa xác nhận giá lúa vừa qua giảm rất mạnh vì các doanh nghiệp không mặn mà mua vào. Anh Trần Văn Chính- thương lái mua lúa ở Mang Thít- liệt kê hàng loạt giống lúa bị rớt giá như lúa thường (IR 50404) giá chỉ còn 3.800- 4.000 đ/kg tùy vùng; lúa thơm giá cao nhất cũng chỉ được 5.000- 5.100 đ/kg.

Mang Thít đang vào thu hoạch rộ lúa Thu Đông với 1.000ha trong số 6.600ha xuống giống. Nhiều nông dân lo hiện giá lúa “khá yếu” trong khi việc tiêu thụ cũng gặp không ít khó khăn.

Nông dân lo lắng vì lúa Thu Đông bước vào thu hoạch rộ nhưng giá cứ giảm dần.
Nông dân lo lắng vì lúa Thu Đông bước vào thu hoạch rộ nhưng giá cứ giảm dần.

Nước sông cao… tràn bờ

Trong khi trên đồng “giá lúa thấp tè”, thì ngoài sông nước lũ đang đổ về khá mạnh, uy hiếp nhiều cánh đồng lúa Thu Đông chưa thu hoạch cũng như lúa Đông Xuân sớm vừa mới gieo sạ.

 

Sáng 17/10, mực nước tại các nơi cao hơn báo động 3 từ 0,06- 0,24m. Mực nước cao nhất đo được tại các trạm: Mỹ Thuận 1,9m, Cần Thơ 2,03m, Phú Đức 1,84m, Vũng Liêm 1,61m, Nhà Đài 1,82m, Tân Thành 1,7m, Ba Càng 1,66m, Tích Thiện 1,88m.

Đúng như dự báo, kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch mực nước đã lên rất cao. Rạng sáng 17/10, mực nước đỉnh triều đã làm ngập một số tuyến đường: QL1 đoạn qua xã Tân Phú- Tam Bình, QL53 đoạn qua thị trấn Long Hồ,… ảnh hưởng giao thông cục bộ tại những điểm này.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mực nước các sông rạch trong tỉnh đang lên nhanh theo triều. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên trong những ngày tới. Kỳ triều rằm tháng 9 âm lịch này, mực nước các sông rạch trong tỉnh đang lên rất cao và đạt mức cao nhất vào các ngày 17- 19/10.

Mực nước đỉnh triều trong các ngày triều cường đạt cao nhất vào lúc 5- 8 giờ và 17- 20 giờ hàng ngày. Đây là đợt triều cao trong năm, hiện thời tiết đang có mưa nhiều nơi, cần đề phòng triều cường kết hợp với mưa to gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở cấp độ 3.

Dự báo mực nước cao nhất tại các trạm như sau: Mỹ Thuận 1,9- 2m, Cần Thơ 2- 2,1m, Phú Đức 1,8- 1,9m, Vũng Liêm 1,65- 1,75m, Nhà Đài 1,8- 1,9m, Tân Thành 1,7- 1,8m, Ba Càng 1,65- 1,75m, Tích Thiện 1,9- 2m.

Hiện nay Vĩnh Long bị ảnh hưởng phía Nam của dải hội tụ nhiệt đới có vị trí ngang qua các tỉnh giữa Nam Bộ và Nam Trung Bộ nối với cơn bão số 7 (bão Sakira) kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.

Trong các ngày đạt đỉnh triều cường, thời tiết Vĩnh Long vẫn còn xấu, có mưa giông diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông, cần đề phòng gió giật mạnh, sấm sét và lốc xoáy.

Từ nay đến cuối năm 2016, vùng hạ lưu sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng các đợt triều cường mạnh. Triều cường vùng hạ lưu sông lên mức cao nhất năm vào giữa tháng 10, tháng 11 ở mức cao hơn báo động 3 từ 0,1- 0,2m.

Tại Vĩnh Long, mực nước triều cường cao nhất năm ở mức cao hơn báo động 3 từ 0,1- 0,2m, tại Mỹ Thuận là 1,9- 2m, tại Cần Thơ là 2- 2,1m xuất hiện trong các kỳ triều cường giữa tháng 10, 11/2016.

Trong nội đồng, mực nước cao nhất năm 2016 cũng đạt cao hơn báo động 3 từ 0,1- 0,2m, xuất hiện trong các kỳ triều cường cuối tháng 10, 11, 12/2016.

Cần đề phòng trường hợp triều cường kết hợp với mưa lớn và gió mùa Đông Bắc gây nước dâng, ngập lụt ở các vùng ven sông, vùng trũng thấp.

Do mực nước cao nhất năm khu vực đầu nguồn sông Cửu Long ở mức khá thấp nên tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2016- 2017 sẽ diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào việc vận hành các hồ chứa trên khu vực thượng nguồn sông Mekong.

Nhiều khả năng mặn sẽ xâm nhập sớm hơn so với trung bình nhiều năm, tương đương hoặc muộn hơn mùa khô 2015- 2016. Độ mặn cao nhất mùa khô 2017 vùng hạ lưu sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào tháng 3/2017, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, thấp hơn hoặc xấp xỉ độ mặn cao nhất năm 2016.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít- cho biết: “Mấy ngày nay nước lũ tràn về khá mạnh, đe dọa nhiều tuyến đê bao và ruộng lúa chưa thu hoạch, nhất là các xã ven sông Cổ Chiên. Chúng tôi đang huy động lực lượng, khắc phục cống đập, thành lập đoàn kiểm tra để có phương án hỗ trợ khi sự cố xảy ra”.

 

Ths. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL- cho rằng, lũ thấp và hạn mặn cực đoan xảy ra dù gay gắt nhưng vẫn chưa thể khẳng định là khuynh hướng vì mới gần đây thôi, năm 2011, chúng ta vẫn có trận lũ khá lớn về đồng bằng.

Vì vậy, theo thạc sĩ không nên chủ quan đinh ninh rằng ĐBSCL hết nước rồi vội bít hết các cửa sông trữ nước. Điều này khiến đồng bằng nhanh chóng “nghèo” đi nguồn thủy- hải sản. Đồng bằng liên thông với biển Đông, biển Tây qua hàng ngàn cửa sông lớn nhỏ.

Bít hết lại, mất nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém là mất hết cá tôm, lối sống miền sông nước, biến đồng bằng thành cái hồ lớn tù đọng, ô nhiễm khủng khiếp.

 

  • ™Bài, ảnh: LÊ SƠN- NGUYỄN HOÀNG