Sàn giao dịch nông sản- vị thế mới cho người sản xuất

Cập nhật, 07:00, Thứ Năm, 04/08/2016 (GMT+7)

Sàn giao dịch nông sản gồm nhãn và chôm chôm do Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) tổ chức tại UBND xã An Bình (Long Hồ) mới đây nhận được sự quan tâm của nhiều nhà vườn và doanh nghiệp. Việc gặp gỡ trực tiếp, trao đổi thông tin 2 chiều giúp đầu ra nông sản ổn định hơn.

Sàn giao dịch nông sản giúp nhà vườn sản xuất an toàn và đầu ra nông sản ổn định hơn. Ảnh: THANH LIÊM
Sàn giao dịch nông sản giúp nhà vườn sản xuất an toàn và đầu ra nông sản ổn định hơn. Ảnh: THANH LIÊM

Nhà vườn tự marketing

Theo bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, một trong những điểm nghẽn khi phát triển kinh tế vườn là nhà vườn còn thiếu kỹ năng marketing, ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt cơ hội thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu.

Thông qua sàn giao dịch này, nhà vườn học cách tự quảng bá sản phẩm được tốt hơn.

Ông Trần Uy Việt Hùng- Tổ trưởng Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng xã An Bình cho biết: Tổ hợp tác có 12ha (22 hộ), quy trình đạt chuẩn VietGAP, sản lượng cung ứng 120- 140 tấn/năm. Mùa nhãn vừa qua, giá tốt, có đầu ra nên bà con phấn khởi.

Tuy nhiên, giá bán nhãn đạt chuẩn VietGAP không khác biệt so loại thường. Bà con được tập huấn kỹ thuật rồi, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật phần sau thu hoạch và tập huấn cho nông dân cách chào bán, làm sao có chính sách cho vay ưu đãi tới tổ hợp tác. Cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác khác, Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng chưa ký kết được hợp đồng nào.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước, hợp tác xã hiện có 17ha trồng chôm chôm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm cung ứng ra thị trường 350- 400 tấn (chôm chôm Java chiếm 80%, còn lại là chôm chôm Thái và chôm chôm đường), nhưng chỉ bán trực tiếp cho thương lái và doanh nghiệp mua theo thời vụ.

Mùa thu hoạch chôm chôm kéo dài từ tháng 8 âl tới tháng 3 âl hàng năm. Nhu cầu thị trường về chôm chôm sạch rất lớn, muốn tìm đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ, nhưng đến nay chưa ký được hợp đồng nào.

Đồng tình với ý kiến này, ông Sơn Cánh Dân- Tổ trưởng Tổ hợp tác Hòa Lợi, chuyên sản xuất nhãn Ido (Edor), cho rằng hầu hết bà con nông dân đã được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách sử dụng phân thuốc bảo vệ thực vật nên bảo đảm chất lượng, an toàn.

Nhãn Ido có quanh năm, tập trung nhất vào tháng 6, 7, 8 âl và tháng Chạp, Giêng, tháng 2. Sản phẩm có đầu ra, nhưng quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Giá cả bấp bênh khiến nhà vườn bất an. Nhưng vì sao các doanh nghiệp không ký kết hợp đồng với nông dân? Đơn giản vì nông dân muốn “tiền trao cháo múc”, trong khi doanh nghiệp muốn chuyển khoản sau 10- 15 ngày.

Theo nhiều nhà vườn, doanh nghiệp muốn làm theo tiêu chuẩn chất lượng cỡ nào cũng được nhưng nếu không thanh toán tiền ngay thì khó ký hợp đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra của trái cây cù lao thiếu ổn định.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ an toàn

Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các loại nhãn để tiếp cận thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Singapore. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các loại nhãn để tiếp cận thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Singapore. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn muốn lập sàn giao dịch nông sản để giúp nhà vườn sản xuất an toàn và đầu ra nông sản ổn định hơn, trong đó có nguồn cung khá dồi dào từ các xã cù lao.

Nơi đây có nhiều giống nhãn nổi tiếng như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Ido, nhãn Thạch Kiệt, nhãn da bò,… Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, số lượng, thời gian cung- cầu luôn đặt ra những thách thức khó giải quyết.

Ông Võ Văn Quốc- Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn cho rằng, việc xây dựng mô hình sản xuất nhãn theo hướng an toàn, thương mại hóa và phát triển thương hiệu thông qua điểm du lịch sinh thái cũng như mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu được tỉnh quan tâm và có chiều hướng tốt, nhiều cơ sở ứng dụng kỹ thuật để sấy trái cây, nhưng để các tổ hợp tác có bước đi phù hợp, bên cạnh việc điều hành thì việc mở rộng mối liên kết, tạo đầu ra hàng hóa phong phú rất quan trọng.

“Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, cấp mã vùng cho nhãn xuồng cơm vàng, nhãn da bò, nhãn Ido để tiếp cận thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Singapore…”- bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân cho biết thêm.

Ông Trương Hoàng Khen- Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Tín Thành ATC cho rằng hỗ trợ kỹ năng truyền thông, biết cách chào hàng cũng là một cách giúp bà con tìm đầu ra thuận lợi. Và, nếu kiểm soát quy trình theo hướng an toàn tốt thì chắc chắn trái cây sẽ đi xa hơn”.

Qua đó, ông Trương Hoàng Khen ngỏ ý kế hoạch liên kết hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, sau đó doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm từ các hợp tác xã, tổ hợp tác để xuất sang Mỹ.

“Các doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường Mỹ cần nhà cung cấp đáp ứng đủ số lượng, chất lượng, thời gian và sản phẩm không có hàm lượng thuốc trong danh sách cấm của Mỹ, chiếu xạ đúng yêu cầu và đó là cách chứng minh đạt chuẩn hơn là chỉ nhìn giấy chứng nhận”- ông Trương Hoàng Khen thông tin.

Để xây dựng sàn giao dịch nông sản trong tương lai, Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện mục tiêu: Sản phẩm đạt tiêu chí an toàn, chất lượng, vùng nguyên liệu đủ năng lực cung cấp, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, viện, trường.

LÊ SƠN