Doanh nghiệp- nằm đêm sáng ngày thêm nợ

Cập nhật, 15:21, Thứ Năm, 25/08/2016 (GMT+7)

7 tháng đầu năm, ngành thuế tỉnh đã thu ngân sách là 1.947 tỷ đồng, đạt 64,71%. Theo ông Đặng Văn Danh- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, nhìn chung dự toán thu ngân sách đảm bảo tiến độ trên giao và nhiệm vụ chi ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, đáng quan tâm là nợ thuế có chiều hướng tăng, 6 tháng đầu năm đã hơn 448,9 tỷ đồng, tăng hơn 11,8 tỷ đồng (2,71%) so đầu năm. Trong đó, nợ khó thu lên đến 160 tỷ và tiền phạt chậm nộp đến cuối tháng 7/2016 đã lên tới 198 tỷ đồng. Vì sao nợ thuế tăng cao?

Ngành gạch, gốm từng là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách lớn của huyện Mang Thít.
Ngành gạch, gốm từng là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách lớn của huyện Mang Thít.

Tiền phạt chậm nộp-lãi chồng lãi

Nhận định Mang Thít là địa bàn “nhạy cảm” bởi một số ngành công nghiệp địa phương như: gạch gốm, đóng tàu, sửa chữa xà lan,… gặp khó nên nguồn thu cũng… yếu theo!

Ông Nguyễn Hồng Kiệt- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện phân tích: Ngành gạch gốm đóng góp khoảng 70% thu ngân sách nhưng đến nay có trên 70% cơ sở gạch ngưng hoạt động, còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Ngành gạch, gốm đình đốn kéo theo ngành thương mại- dịch vụ cũng ảnh hưởng, ngành vận tải hàng hóa thiếu hàng vận chuyển nên cũng gặp khó trong việc thu hồi nợ thuế. Hiện có 20 doanh nghiệp (DN) vận tải đang nợ khoảng 2 tỷ đồng và khá khó khăn.

Tổng nợ thuế trên địa bàn huyện Mang Thít, đến 30/6 là trên 58,1 tỷ, trong đó, nợ không có khả năng thu gần 40 tỷ và tiền thuế đang khiếu nại hơn 4,9 tỷ đồng.

Ngành thuế đã tiến hành cưỡng chế hóa đơn 5 trường hợp với hơn 897 triệu đồng. Tuy nhiên, “vấn đề nan giải hiện nay” là nợ thuế tăng do tiền phạt chậm nộp vì “nằm đêm sáng ngày đã thêm nợ”.

Cụ thể trong tổng nợ thuế, nợ gốc gần 31,2 tỷ, còn tiền phạt chậm nộp đã tới 26 tỷ. “Tiền phạt nộp chậm được tính 0,05%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, thì mỗi tháng nợ thuế tăng 450 triệu. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, nợ thuế đã tăng hơn 2,4 tỷ, kéo theo tổng nợ thuế tăng cao. Do khó khăn về kinh tế, DN không nộp được tiền thuế, nên bị phạt chậm nộp dẫn đến tiền phạt cũng tăng dần hàng tháng”- ông Nguyễn Hồng Kiệt nói.

Với việc thành lập BCĐ đôn đốc thu hồi nợ thuế từ đầu năm 2016, ngành thuế Mang Thít đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm để thu hồi nợ thuế với nhiều hình thức vận động, tuyên truyền đến giải pháp mạnh hơn, là xử lý cưỡng chế hóa đơn.

Theo ông Nguyễn Hồng Kiệt, Chi cục thu hồi nợ thuế theo quy định nhưng cũng xem xét khả năng tài chính của từng DN. Chẳng hạn, những DN khó khăn quá thì ngành thuế hướng dẫn lựa chọn giải pháp nộp thuế phù hợp. Còn DN chây ì, cố tình dây dưa mới dùng tới giải pháp cưỡng chế.

Tuy cho rằng nợ thuế không thể xóa được, chỉ những DN không còn khả năng mới được khoanh nợ, nhưng “khoanh nợ khi DN không còn hoạt động mà vẫn chịu tiền phạt nộp chậm là vô lý”- ông nói.

 

Thời gian qua, những chính sách ưu đãi, những giải pháp hỗ trợ DN ngành thuế đã thực hiện rốt ráo giúp DN hưởng lợi. Bên cạnh, giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, hướng dẫn người nộp thuế thông hiểu chính sách pháp luật về thuế… để tự tính tự khai tự nộp thuế đúng và đủ.

 

Ông Đặng Văn Danh cho biết: Theo quy định, nợ trên 90 ngày không chấp hành thì cơ quan thuế phải cưỡng chế DN. Nhưng ngành thuế đã xử lý linh hoạt, nhiều trường hợp ngành thuế đã chậm xử lý, không cưỡng chế để DN tận dụng thời gian hỗ trợ này vượt qua khó khăn.

 

Bên cạnh, vận động, giải thích DN nộp thuế đúng thời hạn, nếu DN khó khăn quá thì cơ quan thuế cũng cho thêm một thời gian nhất định. Khi phải cưỡng chế, thì đó là giải pháp cuối cùng.

 

Nợ thuế từ năm 2009 tới nay

“DN không còn hoạt động, vẫn tính chậm nộp như vậy là quá bất cập và ngành thuế đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được, đó là nợ đã khó thu đề nghị dừng tính chậm phạt. Nhiều trường hợp cưỡng chế đã rút giấy phép kinh doanh, không còn hoạt động kinh doanh… DN đâu còn gì nữa, mà vẫn bị tính chậm nộp trong khi luật quy định 10 năm mới xóa nợ. Thế nên nợ thuế cứ tăng lên hoài. Thật khó khăn cho ngành thuế”- ông Đặng Văn Danh bày tỏ ý kiến.

Như ngành gạch gốm ở Mang Thít, Long Hồ, chỉ còn một số cơ sở hoạt động cầm chừng… mà vẫn tính chậm nộp hoài. Ngành thuế cũng đã nhiều lần kiến nghị, nếu được trong 1-2 năm xóa nợ, sẽ mở ra cơ hội cho DN tái sản xuất nhiều hơn.

Và theo ông, ngành thuế đang tổng hợp đề nghị gửi về Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, tiếp tục kiến nghị rút ngắn thời gian xóa nợ những trường hợp khó thu đã được xử lý, đồng thời, trong 10 năm chờ xóa nợ không tính tiền phạt chậm nộp.

Theo đánh giá của ngành thuế tỉnh, nợ thuế đang diễn biến hết sức khó khăn. Trên thực tế, nợ thuế không phải phát sinh mới đây, mà bắt đầu phát sinh từ những năm 2008- 2011- giai đoạn suy thoái kinh tế cực kỳ khó khăn cho DN, hoạt động sản xuất kinh doanh kéo dài tới nay.

Ở Vĩnh Long, đặc biệt những ngành khó khăn là: ngành kinh doanh bất động sản- không còn khả năng thanh toán; ngành gạch gốm thì thị trường không cạnh tranh nổi, giá thành cao… nên DN hầu như ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ thuế kéo dài nhưng toàn bộ tài sản đã thế chấp ngân hàng. Tiếp theo, ngành đóng tàu, xà lan và một số ngành xuất khẩu lương thực, thủy sản… thời gian đó hầu như bị tê liệt!

DN trả nợ gốc đã khó, còn phải chịu tiền phạt chậm nộp, DN càng khó khăn. Một số DN có số tiền phạt chậm nộp thuế đến nay đã vượt hơn tiền nợ gốc, nhưng khó có khả năng trả được nợ thuế.

Trên địa bàn tỉnh, tiền phạt chậm nộp đến cuối tháng 7/2016 đã lên tới 198 tỷ đồng, “mỗi tháng mỗi nhảy lên. Đây là một khó khăn của DN và ngành thuế”- ông Danh nói. Trong khi, số nợ khó thu toàn tỉnh là 160 tỷ, trong đó số DN bỏ địa chỉ kinh doanh nợ 126 tỷ.

Ông Đặng Văn Danh- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

 

Trong Luật Thuế không có quy định khoanh nợ, mà chỉ có trường hợp gia hạn. Những trường hợp gia hạn nộp thuế không tính phạt chậm nộp mà cũng không cưỡng chế trong 4 trường hợp:

- Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Được gia hạn tối đa không quá 2 năm.

- Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

- Chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.

- Không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác.

3 trường hợp sau, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm.

™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC