Lãi suất ngân hàng khó giảm thấp hơn, nhưng ổn định

Cập nhật, 08:31, Thứ Ba, 05/07/2016 (GMT+7)

 

Các ngân hàng cho biết hiện nguồn vốn cho vay khá dồi dào.
Các ngân hàng cho biết hiện nguồn vốn cho vay khá dồi dào.

Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 0,2- 0,6% so với cuối năm 2015. Dự báo xu hướng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng đến cuối năm và vì thế lãi suất cho vay sẽ khó giảm thấp hơn hiện nay, nhưng ổn định.

Tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung

Theo số liệu của Cục Thống kê, so với cuối năm 2015, lãi suất huy động tại các NHTM tăng nhẹ từ 0,2-0,6%.

Trong khi lãi suất cho vay khá ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-7%/năm và từ 7-10%/năm đối với các lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên.

Lãi suất cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh có giảm nhẹ và phổ biến từ 8,5-10%/năm đối với NHTM CP nhà nước và 9,5-11%/năm đối với NHTM CP ngoài nhà nước. Dư nợ cho vay 6 tháng ước đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 3,54% so với đầu năm; huy động vốn ước đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,75% so với đầu năm.

Một số NHTM hiện đang áp dụng lãi suất cao từ kỳ hạn 6 tháng trở lên với mức lãi suất khoảng 6,6- 6,8%/năm, và mức từ 7,2- 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi một số NHTM vẫn áp dụng mức lãi suất huy động 5,5-5,8%/năm kỳ hạn 6-9 tháng và mức 6,5-6,9%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Giám đốc một NHTMCP nhận định: Thực tế lãi suất huy động đã tăng mấy tháng gần đây, nhưng không mang tính chất hệ thống mà xuất phát từ một số NH bị mất cân đối trong thanh khoản (do tỷ lệ cho vay quá lớn nhưng chưa thu hồi vốn được).

Do đó, NH đẩy lãi suất huy động cao lên để thu hút nguồn vốn bù đắp cho việc thanh khoản. Dù vậy, vị giám đốc này cũng cho rằng, lãi suất huy động thực tế có thể là “bề nổi” được công bố trên bảng lãi suất niêm yết.

Ngoài ra, các NH còn có mức thỏa thuận riêng với khách hàng, với mức dao động từ 0,1-0,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trở lên, cá biệt có một số NH đã thỏa thuận với mức từ 7,6-8% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Theo lãnh đạo một NHTM, các yếu tố làm tăng lãi suất huy động là do sự mất cân đối trong thanh khoản của một số NH như: cho vay với tỷ lệ cao, không thu hồi được nợ, tỷ lệ nợ xấu cao,…

Các NH chạy đua hoàn thành chỉ tiêu huy động vào kỳ giữa năm 30/6 và kỳ cuối năm 31/12. Và xu hướng một số NH huy động lãi suất cao này sẽ kéo dài đến qua tết âm lịch 2017. Thông thường thời điểm cuối năm sẽ là thời điểm căng thẳng nhất về lãi suất.

Lãi suất cho vay ổn định

Lãi suất đầu vào tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất đầu ra sẽ bị điều chỉnh tăng lên tương ứng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số NH cho rằng, ít nhất trong quý III, lãi suất cho vay sẽ không tăng vì các NH phải thực hiện việc giảm lãi suất dưới sự giám sát của NHNN. Chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay của các NH hiện chỉ ở mức 2-3% nên dư địa giảm lãi suất không nhiều.

Thực tế cũng cho thấy, thực hiện lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, ngoài các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank đã giảm 0,5-1% lãi suất cho vay. Một số ngân hàng như OCB, ACB… đã có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn nhằm giảm chi phí, từ đó tiến đến giảm lãi suất cho vay.

Qua tìm hiểu, một số doanh nghiệp cho biết hiện chưa dễ tiếp cận được vốn vay giá rẻ của NH, ngay cả những gói vay hỗ trợ lãi suất mà các NH tung ra thì phần vốn này cũng ưu tiên cho những doanh nghiệp đủ điều kiện vay.

Thực tế, giám đốc một NHTMCP cũng cho rằng để quản trị rủi ro, NH đang lựa chọn khách hàng rất kỹ. Ngoài đòi hỏi cơ bản là nguồn thu nhập ổn định, doanh nghiệp có uy tín, thì điều kiện chọn ngành nghề kinh doanh cho vay cũng phải thiết thực như: sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng; hay nhóm phục vụ đời sống có thể an toàn hơn.

Có thể nói, sẽ không có chuyện lãi suất cho vay giảm thấp hơn hiện nay như kỳ vọng, nhưng theo một giám đốc NH, điều này không có nghĩa là lãi suất cho vay sẽ tăng cao, mà nó vẫn được NHNN kiểm soát tốt và sẽ ổn định như hiện nay cho đến cuối năm.

Những NHTM nhà nước hoặc TMCP có quy mô lớn, nguồn vốn đảm bảo và dư thừa họ không chạy đua theo lãi suất huy động mà còn có những chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi dành riêng cho một số đối tượng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện, với mức lãi suất cho vay ưu đãi cho 1 hay 2 năm đầu dao động từ 7,5-7,9%/năm nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư nhà đất hoặc sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh, nhờ việc điều tiết chính sách tiền tệ sáng suốt linh hoạt và năng động của NHNN trong những năm qua mà thị trường tiền tệ Việt Nam đã ổn định trở lại và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư.

Từ mức lãi suất cao như vay chợ đen lên đến 22%/năm thời điểm khủng hoảng 2011, 2012 vừa qua, thì nay lãi suất vay đã giảm đến mức thấp nhất trong 10 năm qua. Điều này tác động tích cực đối với nền kinh tế nước nhà và là đòn bẩy để giúp doanh nghiệp vươn lên sau khi vượt qua cơn khủng hoảng.

Lãi suất có thể tăng nhẹ

 

Dự báo lãi suất 6 tháng cuối năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho thấy lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM CP nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Từ ngày 14/6 tại một số NHTM nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 điểm % so với cuối năm 2015.

 

Tuy nhiên, ủy ban này cho rằng, thanh khoản toàn hệ thống NH hiện đang khá dồi dào sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm. Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài nền kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát; bên cạnh, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương này.

Bài, ảnh: LÝ AN