Kinh tế tập thể: Đầu tư, cải tiến để hội nhập

Cập nhật, 08:19, Thứ Năm, 28/07/2016 (GMT+7)

Nhờ sự đổi mới tư duy, cải thiện, đầu tư máy móc để nâng chất và lượng sản phẩm nên hiện nay nhiều hợp tác xã (HTX) đang ăn nên làm ra, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động.

Đầu tư, cải tiến công nghệ máy móc, giúp HTX hoạt động hiệu quả hơn.
Đầu tư, cải tiến công nghệ máy móc, giúp HTX hoạt động hiệu quả hơn.

Những hỗ trợ thiết thực

Khó khăn về vốn, công nghệ lạc hậu, chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, áp dụng kỹ thuật còn hạn chế... là những rào cản lâu nay khiến kinh tế tập thể thiếu bền vững.

Ông Hồ Hữu Phận- Giám đốc HTX Đa ngành Tân Hội (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) chia sẻ: HTX gặp không ít khó khăn về vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại.

Đây cũng là lý do sản phẩm gỗ còn hạn chế về mẫu mã, số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết các khâu đều phải thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian, năng suất thấp.

Đó cũng là khó khăn của 2 tổ hợp tác xe lõi lác ấp Hòa Thuận và ấp Phú Nông (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm). Cô Bùi Thị Thu- Tổ trưởng Tổ hợp tác xe lõi lác ấp Hòa Thuận cho biết:

Quy mô sản xuất nhỏ, chưa được tập huấn kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, giá cả chưa hợp lý... là những khó khăn đang gặp phải, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, chất lượng và giá thành sản phẩm.

Theo UBND xã Trung Thành Đông, hiện xã có 209ha trồng lác, có 5 tổ hợp tác với hơn 600 lao động, chủ yếu làm thủ công, nên việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Hiểu được điều đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã tập trung hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị mới, nâng cao chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác còn gặp khó.

Cụ thể, trung tâm đã hỗ trợ hệ thống sấy lục bình cho các HTX tại làng nghề đan thảm lục bình xã Ngãi Tứ (Tam Bình), hỗ trợ máy móc, thiết bị tại HTX Chiếu cao cấp Phước Tiến (Vũng Liêm), hỗ trợ máy sấy cho HTX Thanh Thanh (xã Long Phước- Long Hồ)...

Bên cạnh đó, để xác định rõ nguồn gốc của các mặt hàng truyền thống trên địa bàn cũng như tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các mặt hàng truyền thống tại địa phương nói chung và của các HTX nói riêng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ và xây dựng thương hiệu cho: dưa cải muối chua Tân Định, tàu hủ ky Mỹ Hòa, cam sành Tân Hội, khoai lang Bình Tân...; rồi xây dựng mới nhãn hiệu hàng hóa: bánh tráng giấy Tường Lộc, cam sành Tam Bình, đậu bắp xanh Tân Quới, bưởi da xanh Vũng Liêm,...

Song song đó, nhiều HTX cũng được ưu tiên hỗ trợ tham gia nhiều đợt kết nối cung cầu hàng hóa và hội chợ triển lãm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và mở rộng kênh tiêu thụ.

Ông Đỗ Hữu Quang- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp- cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó chú trọng hỗ trợ HTX, tổ hợp tác về máy móc, thiết bị tiên tiến, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu... nhằm giúp cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.

Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm

Không ít giám đốc HTX chia sẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ và thay đổi tư duy kinh doanh nên HTX đã phát triển bền vững hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, HTX chịu nhiều sức ép từ thị trường.

Vừa được hỗ trợ đầu tư máy chế biến gỗ, ông Hồ Hữu Phận phấn khởi nói: “Tôi rất mừng, vì nếu không có sự hỗ trợ này thì HTX khó mà “kham” nổi. Nhờ máy hoạt động tốt, sản lượng tăng 4 lần, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm bớt công lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cũng được hỗ trợ 27 máy xe lõi lác, cô Bùi Thị Thu nói: Tổ hợp tác giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập 1,5- 2 triệu đồng/tháng. Việc hỗ trợ máy xe lõi lác là rất cần thiết, kịp thời, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những năm gần đây kinh tế tập thể của tỉnh có chiều hướng ổn định và phát triển, trong đó HTX có vai trò quan trọng.

Nhiều HTX có dấu hiệu khởi sắc, xuất hiện nhiều mô hình hoạt động mới hiệu quả cao tạo công ăn việc làm thu nhập khá cho lao động, nhất là ở nông thôn.

Bên cạnh sự nỗ lực của từng HTX, thời gian qua, Sở Công thương cũng có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ kịp thời để giúp HTX phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Để đưa kinh tế tập thể tiếp tục đi lên thì ngoài việc liên kết, HTX cần nâng cao trình độ quản lý, phải đổi mới từ cách nghĩ, cách làm không để hoạt động theo lối mòn với công nghệ lạc hậu.

Theo Liên minh HTX tỉnh, trong 6 tháng qua, nhiều HTX lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, tín dụng hoạt động khá ổn định về quy mô, năng lực và chất lượng hoạt động. Đặc biệt, nhiều HTX lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm ngành nghề, liên kết giữa sản xuất và thương mại, phát triển thành các vệ tinh sản xuất, gia công cho các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong tỉnh và TP Hồ Chí Minh. Một số HTX đã được tiếp cận các chương tình khuyến công của tỉnh, từng bước ứng dụng đổi mới thiết bị công nghệ trong sản xuất.

Bài, ảnh: THẢO LY- LÊ SƠN