Hẻm này đâu của riêng ai...

Cập nhật, 13:59, Thứ Tư, 27/07/2016 (GMT+7)

Những con hẻm vốn đã nhỏ, chật, vậy mà không ít người lại “tận dụng” lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh. Cứ vậy, dăm cái ghế, vài cái bàn làm cho con hẻm vốn đã chật lại càng chật chội hơn...

Nhiều con hẻm được tận dụng làm “quán ăn di động”.
Nhiều con hẻm được tận dụng làm “quán ăn di động”.

“Mỗi ngày lấn ra một tí”

Ở đô thị, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, nhất là ở các hẻm nhỏ đã trở thành chuyện “biết rồi nói mãi”.

Nhiều con hẻm vốn đã chật hẹp, nhưng không ít hộ còn lấn chiếm để mua bán, càng làm cho những con hẻm nhỏ này chật hẹp hơn, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Tại TP Vĩnh Long, ghi nhận tại nhiều hẻm đường Nguyễn Thái Học (Phường 1); đường Lê Thị Hồng Gấm, đường Lê Thái Tổ, đường Nguyễn Huệ (Phường 2), hầu như hẻm nào cũng được “trưng dụng” thành nơi buôn bán, nào là nước giải khát, sinh tố, phở, hủ tiếu, bún thịt xào,...

Lúc đầu chỉ là một chiếc xe đẩy nhưng khi thấy “làm ăn được” rồi thì kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đã khiến con hẻm trở nên quá tải. Thêm vào đó, nhiều người còn treo móc, giăng mắc lều bạt che nắng, che mưa làm cho những con hẻm trở nên nhếch nhác.

Chưa kể khi khách dừng xe mua hàng, ăn uống, tạo ra cảnh người mua, người bán chen chúc, tràn ra lòng đường, gây khó khăn cho việc đi lại. Thường những con hẻm này “nhộn nhịp” nhất là từ 6- 9 giờ sáng và 16- 19 giờ tối.

Chị Nguyễn Thúy An (đường Lê Thị Hồng Gấm- Phường 2) rất bức xúc vì những người bán hàng ăn lấn chiếm: “Đầu đường hai bên nào là hàng cháo hàng hủ tiếu, sữa đậu nành,... theo đó là xe máy của khách ăn đậu rất nhiều.

Chạy vô trong chừng 200m thì gặp những hộ bán tạp hóa, sạp thực phẩm,... khiến cho việc lưu thông rất khó. Hẻm này rộng đủ để ôtô vào được nhưng đến giờ “cao điểm” là bó tay”.

Khi được hỏi, sao không tìm mặt bằng bán cho thuận tiện hơn thì một số người bán thức ăn trong hẻm cho biết, phần lớn là lao động nghèo, buôn bán nhỏ, không có vốn nhiều nên rất khó tìm nơi bán thuận tiện.

Chủ một “quán ăn di động” trong hẻm bày tỏ: “Tôi bán ở đây cũng hơn 10 năm rồi, cũng có từng bị nhắc nhở nhưng nếu không bán ở đây thì biết ở đâu bây giờ”.

Trong khi đó, ở một số hẻm người dân lại tận dụng để cây kiểng hoặc biến thành nơi phơi quần áo, để phế liệu.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (Phường 3) cho biết: “Hôm trước trời tối, tôi chạy vào nhà bạn trong hẻm, đã không có đèn đường mà người dân lại để phế liệu hai bên nên tôi bị cọng sắt quẹt ngang. Hẻm đã nhỏ còn chất đồ nhiều, thấy khó chịu, không đẹp mắt chút nào”.

Hãy trả lại sự thông thoáng cho hẻm

Mua bán trong hẻm đã trở thành kế mưu sinh của không ít người dân và trở thành một nét riêng ở phố. Không cần bàn ghế đẹp, không cần mặt bằng rộng, chỉ cần đôi ba ghế nhựa đã trở thành nơi giải khát ăn uống của nhiều người nhất là những người có thu nhập thất.

Chưa kể, đôi khi chính những quán ăn trong hẻm lại khiến người ta lùng sục tìm kiếm do hợp khẩu vị. Đó là lý do khiến nhiều quán ăn trong hẻm còn đông khách hơn quán ở mặt tiền.

Cô Lê Thị Út- bán hủ tiếu trong một con hẻm ở Phường 2- phân bua: Hàng ngày tôi bán từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối thì nghỉ. Tôi thấy cũng không ảnh hưởng gì mấy đến trật tự công cộng.

Vì hẻm rộng, tôi chỉ bày vài cái bàn nhỏ, khách ăn cũng không nhiều nên việc đi lại của bà con cũng chẳng khó khăn gì. Thêm vào đó, bán xong tôi quét dọn, dẹp gọn gàng nên không gây mất vệ sinh trong hẻm, bà con cũng chưa phản ánh.

Ông Hồ Huy Thông- Đội phó Đội Kiểm tra trật tự đô thị TP Vĩnh Long cho biết: Hiện đội tập trung xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, còn tình trạng lấn chiếm hẻm làm nơi buôn bán thì do phường quản lý và xử lý, nhưng phần lớn là vận động người dân thực hiện đúng theo quy định. Những trường hợp khó thì đội sẽ kết hợp giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Vịnh- Phó Bí thư Đảng ủy Phường 1 cho biết: Hầu hết người buôn bán trong hẻm là lao động nghèo, nên phường cũng tạo điều kiện cho bà con mưu sinh với điều kiện không được cản trở lưu thông, gây mất mỹ quan.

Đối với những trường hợp bà con trong hẻm có phản ánh về tình trạng buôn bán lấn chiếm gây khó khăn đi lại ở các hộ này thì phường sẽ kịp thời nhắc nhở, xử lý.

Việc lấn chiếm các đường hẻm, lấn chiếm lòng lề đường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời hạn chế và cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Do đó, rất cần sự quản lý và tự ý thức của người dân để hẻm phố thông thoáng, sạch đẹp hơn.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN