Giai đoạn 2015- 2020: Ổn định diện tích khoai lang từ 9.000- 9.500ha

Cập nhật, 11:06, Thứ Tư, 25/05/2016 (GMT+7)

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, giảm diện tích lúa kém hiệu quả, tăng diện tích màu và cây ăn trái, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phấn đấu mỗi năm tăng trưởng kinh tế nông nghiệp bình quân 4%/năm và năm 2020 huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. 

Đó là định hướng phát triển kinh tế- xã hội mà huyện Bình Tân xây dựng và hướng tới trong nhiệm kỳ 2015- 2020.

Để đạt được mục tiêu trên, địa phương dựa vào Đề án xây dựng nông thôn mới và kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của Huyện ủy, giai đoạn 2014- 2020 để điều chỉnh cho phù hợp tình hình sản xuất từng năm như:

Tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi bằng cơ giới, kiên cố hóa một số đập lớn; tăng cường củng cố, phát triển các loại hình sản xuất tập thể như: hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất... đi đôi với khuyến khích mở rộng mô hình trang trại, gia trại trong chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản; tăng tỷ trọng chăn nuôi, rút ngắn khoảng cách giữa chăn nuôi và trồng trọt; tiếp tục xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tăng cường công tác tập huấn hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật; bố trí vụ mùa sản xuất hợp lý theo hướng luân canh, rải vụ, từng bước khôi phục diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ thức ăn chăn nuôi và tiếp tục phát triển diện tích trồng mè ở các xã ven sông Hậu; ổn định diện tích khoai lang mỗi năm từ 9.000- 9.500ha (trong đó, trồng giống tím Nhật từ 50- 60%).

Qua đây, huyện Bình Tân sẽ phấn đấu đạt giá trị nông nghiệp- thủy sản tăng trưởng từng năm cụ thể như sau: năm 2016 đạt 3.461 tỷ đồng, năm 2017 đạt 3.602 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.747 tỷ đồng, năm 2019 đạt 3.899 tỷ đồng và năm 2020 đạt 4.055 tỷ đồng.

CÔNG PHÚC- HỒNG VÂN