Kinh tế Vĩnh Long- hướng tới bền vững và hội nhập

Cập nhật, 07:47, Thứ Năm, 21/01/2016 (GMT+7)
Nông nghiệp Vĩnh Long không ngừng phát triển với những cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nông nghiệp Vĩnh Long không ngừng phát triển với những cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng bộ cùng nhân dân Vĩnh Long chung sức, chung lòng bắt tay kiến thiết, xây dựng quê hương, nỗ lực đưa tỉnh nhà vươn tới vị trí xứng đáng của một địa phương giàu tiềm năng, lợi thế.

Trên đường phát triển

Những năm qua, tỉnh đã tận dụng những lợi thế của mình cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, với việc nghiên cứu và vận dụng để xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của địa phương ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế.

Theo ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, mục tiêu của Vĩnh Long là trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Trong đó, thể hiện rõ nhất là sự mạnh dạn đổi mới cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển được xem một cuộc “cách mạng” mới, được kỳ vọng đưa tỉnh Vĩnh Long từ một tỉnh trung bình khá tiến tới vị trí khá của khu vực ĐBSCL.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, quá trình Vĩnh Long tham gia hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO cho thấy tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ với GDP tăng trưởng nhiều năm liền, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng.

Cùng với đó, các chính sách khuyến khích các thành phần tham gia phát triển kinh tế dần cởi mở thông thoáng cho người dân làm ăn. Đó là động lực mạnh mẽ giúp các thành phần kinh tế phát triển, nhà nhà người người làm kinh tế góp tay xây dựng quê hương.

Cùng với đó, các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt kinh tế dân doanh phát triển cả về số lượng và quy mô. Đáng chú ý, theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, quá trình hội nhập WTO (từ năm 2007) đã tạo chuyển biến tích cực trong tư duy kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự chủ động và cạnh tranh lành mạnh.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng chương trình thu hút đầu tư của tỉnh đã bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỉnh đã có thêm nhiều doanh nghiệp mới, sản phẩm mới, ngành nghề kinh doanh mới góp phần tăng quy mô nền kinh tế. Chương trình thu hút đầu tư của Tỉnh ủy được triển khai và thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, “với chương trình này Vĩnh Long có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Các đơn vị liên quan có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng hỗ trợ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Thực tế thu hút đầu tư của tỉnh tăng đều hàng năm”- ông Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết.

Mở cửa hội nhập, tạo môi trường đầu tư- kinh doanh thuận lợi

Xuyên suốt quá trình đi lên công nghiệp hóa- hiện đại hóa, từng giai đoạn, từng thời điểm dưới sự lãnh- chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, nền kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tiếp nối những kết quả đó, năm 2016- là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã xác định một trong những mục tiêu trọng tâm là: tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Với chương trình hành động của Tỉnh ủy, Vĩnh Long đã có thêm nhiều doanh nghiệp mới, sản phẩm mới, ngành nghề kinh doanh mới.
Với chương trình hành động của Tỉnh ủy, Vĩnh Long đã có thêm nhiều doanh nghiệp mới, sản phẩm mới, ngành nghề kinh doanh mới.

Mở cửa mời gọi, thu hút vốn đầu được coi là một trong những chủ trương lớn của tỉnh nhằm huy động ngoại lực để thúc đẩy nội lực và khai thác tiềm năng sẵn có của tỉnh. Ngoài việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, Vĩnh Long luôn chủ động, tích cực thực hiện các chương trình thu hút vốn để phát triển kinh tế- xã hội. Vĩnh Long còn chú trọng hỗ trợ khởi sự và phát triển doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đang hoạt động và chuẩn bị đến đầu tư tại Vĩnh Long.

Biểu hiện rõ nhất trong năm 2015, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 61,07 triệu USD, tăng 64,6% so với năm 2014 và là năm thu hút vốn cao nhất từ trước đến nay với 4 dự án đăng ký mới và 2 dự án đăng ký bổ sung, đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 225,92 triệu USD.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước và từng địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ này trong 5 năm qua, Vĩnh Long đã đạt những thành tựu nhất định về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và giải quyết các vấn đề về xã hội.

Thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Vĩnh Long đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với quan điểm nhất quán tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh, Vĩnh Long còn nỗ lực hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế dân doanh. Vĩnh Long ngày càng được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước xem như điểm đến tin cậy và cảm nhận tốt qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tích cực hàng năm…

Qua đó, để khai thác mạnh hơn những cơ hội mang lại, mở cửa tạo điều kiện cho hàng hóa, sản phẩm địa phương nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và trong nước.

Bài, ảnh: LÝ AN