Độc đáo giỏ đựng bưởi chưng tết

Cập nhật, 08:06, Chủ Nhật, 17/01/2016 (GMT+7)

Để nâng cao giá trị đặc sản bưởi Năm Roi của quê hương mình, anh thanh niên này đã mày mò sáng tạo, nghiên cứu và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ một kiểu giỏ chuyên dùng để đựng bưởi chưng tết.

Anh Tính bên sản phẩm độc đáo của mình.
Anh Tính bên sản phẩm độc đáo của mình.

Dịp Xuân Bính Thân năm nay, anh Nguyễn Trung Tính (người khuyết tật, 38 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) sản xuất được khoảng 600 giỏ để tung ra thị trường lần đầu tiên chào hàng.

Hàng năm mỗi độ xuân về, bưởi Năm Roi chưng tết được bà con cả nước ưa chuộng và được tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi trái bưởi đi đến tay người mua thì phần lớn cái phần cuống và lá ở phía trên bị rụng mất làm giảm giá trị của trái bưởi.

Từ đó, nhiều năm qua, anh nung nấu ý tưởng làm một cái giỏ chuyên dụng đựng bưởi để dành biếu tặng những người ở xa chưng tết được nguyên vẹn cuống lá. Đến tháng 6/2015, anh bắt đầu thực hiện ước mơ của mình là tự lên máy vi tính thiết kế kiểu mẫu thích hợp với loại đặc sản của quê hương mình.

Qua nhiều ngày nghiên cứu, sáng tạo, anh Tính đã chọn cho mình một kiểu giỏ ưng ý. “Khi tôi đưa kiểu giỏ này cho những thợ hàn ở gần nhà làm khung sắt, ban đầu họ hứa, nhưng khi đến nhận hàng thì họ đều than khó. May nhờ một người bạn ở TP Cần Thơ chỉ và cuối cùng được một thợ hàn ở đây nhận lời và thiết kế theo hình mẫu như ý tôi. Vậy là từ khi có khung sắt về, tôi mua lục bình khô về tự đan thành một cái giỏ hoàn chỉnh. Qua nhiều ngày tháo ra, đan vào, cuối cùng tôi cũng được cái giỏ như ngày hôm nay”- anh Tính phấn khởi.

Cái khó là để giữ bản quyền sản phẩm mà anh Tính phải vắt óc suy nghĩ, anh phải mất một thời gian dài làm hồ sơ gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để đăng ký sản phẩm độc quyền. Theo miêu tả kiểu dáng công nghiệp của anh Tính thì kiểu dáng xin bảo hộ là giỏ đựng trái cây gồm phần quai xách và phần giỏ đựng nối liền nhau.

Phần quai xách dẹp, có bề ngang to dần từ trên xuống phần giỏ đựng và được chia làm 2 phần, phần trên có chiều cao bằng khoảng 2/5 chiều cao của quai xách có hình cung, có bề ngang to dần xuống dưới, nối liền với phần dưới ở phần có thanh ngang có kích thước tỷ lệ bề ngang bằng 1/4 chiều dài.

Phần dưới là phần nối liền với giỏ đựng, được tạo cong ra ở giữa và bề ngang cũng to dần về phía giỏ đựng. Phần giỏ đựng trái cây cũng có 2 phần nối liền và thông nhau tạo thành hình dạng tựa số 8 khi nhìn từ trên xuống hoặc từ dưới lên; mặt cắt dọc là hình thang có đáy lớn ở trên, có kích thước tỷ lệ đáy lớn: đáy nhỏ: chiều cao là 4:3:1; phần đáy rỗng, có 1 thanh, kích thước tỷ lệ bề ngang bằng 1/5 chiều dài ở chính giữa phần giỏ…

Bên trong là khung sắt được đệm thắt bên ngoài bằng những cọng lục bình phơi khô. “Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận hồ sơ được gần 2 tháng nay. Theo quy định, nếu trong 8 tháng không có ai khiếu nại thì sản phẩm của tôi mới được công nhận độc quyền. Tôi bảo đảm kiểu dáng giỏ của tôi không giống bất cứ loại giỏ nào”- anh Tính quả quyết.

Anh Tính cho biết thêm, do làm số lượng nhiều, nên ngoài việc đi gom mua lục bình và thuê làm khung sắt về, anh Tính phải tìm một cơ sở đan thuê làm để kịp giao hàng. Theo anh Tính, một cái giỏ hoàn chỉnh được bán với giá 135.000đ, còn nếu có cặp bưởi sẵn trên giỏ thì giá sẽ dao động từ 300.000- 400.000 đ/giỏ tùy theo lớn nhỏ. Mới nhận hàng về 2 tuần đã có nhiều mối đặt hàng gần 100 cái.

Theo ông Ngô Văn Sơn, cán bộ địa chính- nông nghiệp xã Mỹ Hòa, hiện toàn xã 1.317ha bưởi Năm Roi, sản lượng khoảng 33.000 tấn/năm (bình quân 25 tấn/ha). Trung bình với giá 20.000 đ/kg, người trồng bưởi ở Mỹ Hòa này cũng thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha.

Giá bưởi phục vụ tết cao hơn 2- 3 lần. Tết năm rồi, giá bưởi 45.000 đ/kg, dự đoán năm nay giá từ bằng tới hơn vì bưởi tết có kiểu dáng đẹp và để chưng lâu được 2- 3 tháng. “Việc em Tính sáng tạo ra loại giỏ đựng bưởi, tôi rất khâm phục, vì nâng giá trị đặc sản chưng tết của quê hương mình. Tôi cũng có góp ý vào sản phẩm này để hoàn thiện và đẹp mắt hơn.

Nếu bưởi được đựng trong giỏ mà Tính sản xuất thì sẽ bảo vệ trái bưởi tốt hơn. Bởi hàng năm, các bạn hàng bưởi vận chuyển đi các tỉnh hoặc TP Hồ Chí Minh thì ít nhiều cái cuống bưởi cũng bị rụng, làm mất giá trị kinh tế. Vì bưởi mất cuống thì trở thành bưởi thường để ăn, không thể chưng cúng, có thể giảm gần 40% giá trị trái bưởi, thậm chí không ai mua. Có nhiều trường hợp, nhà vườn thủ sẵn những nhánh bưởi, khi đến nơi bán họ dùng keo dán vào cuống mà người sử dụng không hề hay biết”.

Bài, ảnh: BÁ HÙNG