Từ phát triển kinh tế gia đình đến sáng tạo khoa học

Cập nhật, 07:39, Thứ Ba, 03/11/2015 (GMT+7)

 

Giảng viên Lưu Thị Thanh Loan bên tháp rau sạch của mình.
Giảng viên Lưu Thị Thanh Loan bên tháp rau sạch của mình.

Từ mô hình kinh tế gia đình kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng nguyên liệu tái chế và bảo vệ môi trường, giảng viên môn giáo dục thể chất Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long- Lưu Thị Thanh Loan đã xuất sắc đạt giải sản phẩm sáng tạo tiêu biểu Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2015.

Từ ý tưởng làm chuối sấy khô bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chị Thanh Loan đã tìm tòi nghiên cứu để làm ra những mẻ chuối chất lượng, hợp vệ sinh, vươn tầm xa hơn.

Bắt đầu việc kinh doanh này khoảng một năm nay, chị Thanh Loan đầu tư mua sắm máy sấy chuối đúng tiêu chuẩn, trang bị cơ sở kỹ càng hợp vệ sinh, làm ra được nhiều sản phẩm hợp khẩu vị người tiêu dùng.

Trong quá trình sản xuất, nhiều rác thải từ vỏ chuối và rác thải sinh hoạt còn được chị thu gom lại và chị đã phát hiện được loại ấu trùng “ruồi lính đen” giúp cho rác thải không bị hôi. Thế là chị lập tức lên mạng tìm hiểu kỹ loại ruồi này.

Chị Thanh Loan cho biết: “Vô tình tôi phát hiện rác thải của mình vài ngày chưa xử lý vẫn không bị hôi, tôi quan sát và thấy có loại ấu trùng ruồi lính đen này xử lý rác thải hiệu quả, thế là tôi lên mạng để tìm hiểu.

Loại ruồi lính đen này hoàn toàn vô hại và có lợi cho môi trường do khả năng phân hủy rác và không ăn thức ăn do nó không có miệng và tuổi thọ cao nhất của ruồi là 2 tuần (thông thường thì khoảng 7 ngày ruồi chết). Nó có khả năng đuổi ruồi có hại và đẻ 500 trứng, trứng nở ra ấu trùng có thể phân hủy rác đến 90%, làm cho rác không bị hôi”.

Quyết tâm nuôi ấu trùng loại ruồi này để xử lý rác thải làm phân bón, chị đã tự sáng tạo thực hiện một mô hình kinh tế gia đình có thể bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi tiêu như sau: từ chuối, thức ăn sẽ cho ra vỏ chuối, xác rau củ thừa, chị lấy rác thải này nuôi ấu trùng ruồi lính đen trong mùng lưới và nuôi trùn để làm phân bón trồng rau sạch và nuôi cá. Thu nhập từ chuối sấy, rau, cá, chị tích lũy làm vốn kinh doanh.

Khi trồng rau, chị còn tiết kiệm nước và sử dụng hợp lý nguồn nước. Rau sạch được thu từ các nguồn: trồng trên tháp đất được làm bằng thùng xốp và chai nhựa, trồng trên đá, trên hồ cá, trồng thủy canh,… Rau sạch chị có thể đem bán hoặc sử dụng trong gia đình để tiết kiệm chi tiêu.

Chị Loan nhận định: “Đây là mô hình phụ nữ có thể tự mình thực hiện việc tăng thu nhập và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường cho xã hội bằng những việc tự chế tạo dụng cụ rẻ tiền, đơn giản, dễ làm, tiết kiệm sức lực và thời gian mà mang lại hiệu quả cao”.

Theo đánh giá của BTC hội thi, mô hình sáng tạo này đã đáp ứng được vấn đề về kinh tế là tăng thu nhập cho gia đình từ việc bán chuối ép khô, bán và tiết kiệm tiền chi tiêu từ nguồn cá sạch, rau sạch.

Ứng dụng được khoa học công nghệ vào cuộc sống trong việc dùng ấu trùng ruồi lính đen xử lý rác thải làm phân bón và dùng ấu trùng ruồi lính đen và trùn làm thức ăn cho cá, kết hợp hệ thống hồi lưu nước đem lại môi trường sạch, xanh cho gia đình và xã hội.

Hơn nữa đã thể hiện được sức sáng tạo của phụ nữ khi kết hợp khéo léo việc làm kinh tế gia đình với các thành tựu khoa học công nghệ. Mô hình khép kín bảo vệ môi trường và tận dụng triệt để nguồn nước, rác thải để tiết kiệm chi phí và công sức rất mới lạ và độc đáo, có thể nhân rộng ra xã hội.

Chị Thanh Loan chia sẻ: “Để làm thành công mô hình này, tôi đã không ngừng tìm hiểu trên các trang mạng và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, người thân.

Hiện nay, lợi nhuận từ mô hình này mỗi tháng mang lại cho tôi khoảng 2 triệu đồng. Tôi có mong muốn là món chuối sấy khô, một món ăn đậm chất quê hương lại bổ dưỡng này sẽ vươn tầm xa hơn.

Hiện nay tôi đã thành lập được Công ty TNHH Duyên Ý Vĩnh Long chuyên sản xuất chuối sấy dẻo chất lượng, hợp vệ sinh, tôi đang đăng ký nhãn hiệu để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Mô hình này tất cả chị em phụ nữ đều có thể áp dụng làm được để tăng thu nhập gia đình”.

 

Với mô hình này, giảng viên Lưu Thị Thanh Loan nhận được bằng khen của Hội LHPN Việt Nam về sản phẩm sáng tạo tiêu biểu ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2015.

Bài, ảnh: HẢI YẾN