PCI và câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh

Cập nhật, 15:20, Thứ Ba, 09/06/2015 (GMT+7)

Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 và bàn giải pháp năm 2015 do UBND tỉnh tổ chức hồi tuần trước, là dịp để lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương rút kinh nghiệm và cầu thị giải pháp cải thiện tích cực các chỉ số thành phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quản lý điều hành.

Cải thiện PCI là vấn đề Vĩnh Long quan tâm để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu địa phương.
Cải thiện PCI là vấn đề Vĩnh Long quan tâm để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu địa phương.

Điều này có khác với các cuộc hội nghị những năm trước, khi một số lãnh đạo có vẻ “khó chịu”, không hài lòng bởi kết quả liên quan đến ngành mình quản lý có điểm số đánh giá thấp.

Những sụt giảm đáng lo ngại

Ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, thay mặt hội nghị thông qua báo cáo phân tích đánh giá PCI năm 2014 của tỉnh Vĩnh Long. Kết quả PCI 2014 Vĩnh Long xếp hạng thứ 21 cả nước (giảm 5 bậc so với năm 2013) và xếp thứ 6 khu vực ĐBSCL, thuộc nhóm khá trong bảng xếp hạng.

“Điều tra PCI 2014 cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực “Chi phí không chính thức”, “Tính năng động” và “Tiếp cận đất đai”- ông Phạm Thành Khôn nhận định.

Đây là 3 lĩnh vực Vĩnh Long có tăng hạng nhưng tụt giảm mạnh về điểm số. Theo đó, ở lĩnh vực “Chi phí không chính thức” tăng đáng kể, chẳng hạn ở chỉ tiêu: Các doanh nghiệp (DN) cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức- 57% (đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý); 7% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến- 50% (đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý); Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức- 52% (thường xuyên hoặc luôn luôn).

Ở lĩnh vực “Tính năng động” cũng ghi nhận các chỉ tiêu giảm 0,54 điểm. Trong khi đó, lĩnh vực “Tiếp cận đất đai” giảm đến 1,17 điểm, với các chỉ tiêu như: % DN có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 64,51% (năm 2013: 80,56%); chỉ 33% cho rằng nếu bị thu hồi đất, DN sẽ được bồi thường thỏa đáng (năm 2013: 56,52%); hay 19% DN có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà/ lo ngại cán bộ nhũng nhiễu (trong khi năm 2013 chỉ 5,88%)…

Theo đánh giá của hội nghị, thì: “Cảm nhận của DN về tính tích cực, năng động, tiên phong của lãnh đạo là chưa tốt. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có xu hướng chọn “giải pháp an toàn”, thiếu đột phá trong xử lý các vấn đề về chính sách nên có thể gây đình trệ, thiệt hại hoặc mất cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư và DN. Việc thực hiện cơ chế một cửa ở một số nơi còn rườm rà, gây phiền hà cho DN…

Trong khi đó, nguyên nhân về khách quan, các DN FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn do tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích) và chất lượng cơ sở hạ tầng. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, không ít nội dung còn chồng chéo, bất hợp lý…

Cải thiện PCI- cải thiện môi trường đầu tư

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư, sau nhiều năm, chỉ số PCI Vĩnh Long luôn nằm trong Top 10 của cả nước, đến năm 2011, tụt xuống hạng thứ 54/63 tỉnh- thành. Ngay lập tức, tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từng bước cải thiện đáng kể điểm số và thứ hạng.

Việc khôi phục thứ hạng là quyết tâm rất lớn của Vĩnh Long để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt. Điều này cũng là điều kiện mà tỉnh quan tâm để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu địa phương. Với thái độ, tinh thần đó, nhiều đại biểu tham gia hội nghị phân tích đánh giá PCI đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề còn thiếu và yếu.

Ông Lê Quang Trung- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng, hiện tượng nhũng nhiễu khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính như cảm nhận của DN là rất quan ngại.

Nguyên nhân theo ông là do nhận thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ công vụ chưa cao. Trong thu hút đầu tư, không nhận thức được tinh thần trách nhiệm, chính là “hành” DN.

Ông Nguyễn Hoàng Học- Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, qua PCI cho thấy vướng mắc trong tiếp cận đất đai là lớn nhất, do các quyết định chồng chéo, tỉnh nên có chỉ đạo Sở Tài nguyên- Môi trường có phương án chỉ đạo giải quyết việc này.

Đối với Văn phòng UBND tỉnh, thời gian qua đã đề xuất giải pháp theo dõi qua hệ thống ISO việc giải quyết thủ tục hành chính không để tồn đọng kéo dài, nếu quá 6 tháng phải trừ thi đua cá nhân đó.

Trong khi đó, với thái độ cầu thị, đại diện Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết, thời gian qua, sở đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất nhiều, thay đổi thường xuyên nên DN khó nắm bắt kịp, nên đại diện sở hứa sẽ gặp DN để triển khai Luật Đất đai mới, giới thiệu các nội dung mới.

Đồng thời, tới đây, Sở Tài nguyên- Môi trường sẽ đưa vào áp dụng Hệ thống cung cấp thông tin dịch vụ công ở cấp độ 3, giúp người dân, DN tiếp cận thông tin đất đai, dịch vụ nhanh chóng, thuận lợi.

TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ

Phải thấy rằng, PCI phải thật sự gắn với cơ sở hạ tầng. Vì cơ sở hạ tầng là nền tảng phát triển kinh tế, trong khi mục tiêu của PCI là góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết công ăn việc làm. Lãnh đạo, các sở, ngành, địa phương của Vĩnh Long rất cầu thị PCI và để cải thiện thứ hạng rất cần có sự sáng tạo đột phá trong quản lý điều hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh- Nguyễn Hoàng Học

Các sở, ngành khi tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn và trả lời rõ ràng. Theo tôi, nên chấm dứt không dùng từ nghiên cứu, coi lại, mà nên trả lời dứt khoát được hay không. Xử lý được thì xử lý, không được thì phải trả lời dứt khoát.

Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Lê Quang Trung

Phải công khai minh bạch trên cổng thông tin điện tử của tỉnh các văn bản và thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch và công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh; thời gian cụ thể giải quyết các thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực về chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ. Có cơ chế thường xuyên tiếp xúc, đối thoại DN. Công khai số điện thoại cơ quan phòng chống tham nhũng, số điện thoại lãnh đạo để DN phản ánh kịp thời những bức xúc của mình.

Theo tôi, còn phát sinh chi phí không chính thức là sẽ còn cản trở sự phát triển của tỉnh.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC