Góc nhìn

Xuất khẩu nông sản- mừng và lo

Cập nhật, 07:38, Thứ Ba, 30/12/2014 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản năm 2014 tăng 11,2% và vượt 30 tỷ USD, với hàng loạt mặt hàng đạt doanh số trên 1 tỷ USD.

Con số này dự kiến tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2015. Khác với những năm trước, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm xuống, thì năm nay dường như đã vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại.

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Năm 2014 có thể nói là năm ngành nông nghiệp được mùa, được giá”. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn như khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định (cao su, cá tra).

Ngoài ra, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân triển khai chậm, mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.

Nhiều chuyên gia cũng tỏ ra e ngại và dự báo trong thời gian tới đây, nhiều khả năng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ nắm quyền xuất khẩu những sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như: gạo, thủy sản, hồ tiêu, hạt điều, cà phê.


Các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh phương thức liên kết với nông dân và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Hiện các doanh nghiệp FDI đầu tư lớn vào nông nghiệp ở Việt Nam thuộc về Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Phần lớn các công ty này đầu tư vào cây chè, các mặt hàng rau quả ở khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL...
 
Một số địa phương dành nhiều ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp FDI hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, việc thu hút các doanh nghiệp FDI những năm qua phần nào đã thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển. Việc các doanh nghiệp FDI từng bước chiếm thị phần xuất khẩu ngày càng lớn cũng đã phần nào thúc đẩy các địa phương có các chính sách phù hợp hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

LÝ AN