Góc nhìn

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Cập nhật, 08:23, Thứ Ba, 02/12/2014 (GMT+7)

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam chậm cải thiện, đó là đánh giá của nhiều đại biểu tại hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế”.

Theo Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới- WEF, về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014- 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Còn theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước.
 
Với năng lực cạnh tranh chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực, WEF cảnh báo, nếu không cải thiện Việt Nam sẽ khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, không trở thành điểm đến của các công ty nước ngoài.

Kết quả khảo sát ý kiến của gần 2.000 nhà đầu tư nước ngoài do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong 2 năm gần đây cho thấy, lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là nhằm giảm chi phí bởi giá lao động rẻ, ưu đãi về thuế và đất đai hay các yếu tố như ổn định chính trị, xã hội…

Qua đó khẳng định, để trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn Việt Nam phải nhanh chóng và quyết liệt nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính.

Năng lực cạnh tranh đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay. Đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều nước.

Hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng gay gắt. Do đó nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

LÝ AN