Du lịch ĐBSCL hướng về phía biển

Cập nhật, 05:48, Thứ Bảy, 27/12/2014 (GMT+7)

ĐBSCL là nơi đón dòng Mekong huyền thoại khi nó chảy vào nước ta ở những tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp và cũng là nơi nó kết thúc chuyến hành trình tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang để lặng lẽ hòa vào biển Đông.

Một vùng đất có thể nói là được thiên nhiên ưu ái rất nhiều, từ sản vật đến điều kiện tự nhiên, con người. Khu vực này cũng hội đủ các yếu tố từ đồi núi, đồng bằng, sông ngòi và cả biển đảo; khí hậu lại ôn hòa, mát mẻ, không bị lụt bão tàn phá.

Thế nhưng, ĐBSCL vẫn là vùng trũng du lịch so với cả nước. Bao nhiêu tiềm năng của du lịch vùng cơ hồ còn đang ngủ yên, trong khi lãnh đạo bộ, ngành và từng địa phương chưa có giải pháp nào thật sự hữu hiệu để du lịch vùng đất Chín Rồng cất cánh.

Bãi Ngự và xóm nhà dân nên thơ trên bãi Ngự (đảo Thổ Chu).

Những điều kiện thuận lợi và những hạn chế, bất cập

ĐBSCL có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Với 5 vườn quốc gia, 4 khu bảo tồn thiên nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 5 khu bảo vệ cảnh quan văn hóa- lịch sử- môi trường và 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới, nó chứa bao điều kỳ thú đối với du khách.

Có thể điểm qua một số điểm du lịch thật sự hấp dẫn của vùng đất Chín Rồng như Nhà cổ của Bạch công tử và rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam (TP Mỹ Tho- Tiền Giang); cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho); Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè- Tiền Giang); Làng cổ Bình Thủy trong đó có nhà cổ họ Dương (TP Cần Thơ); các điểm du lịch thắng cảnh và tâm linh vùng Thất sơn huyền bí (An Giang); khám phá vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang).

Đặc biệt thiên nhiên còn ưu ái vùng đất này ban tặng mùa nước nổi hàng năm vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch với những giá trị đặc thù mà cả nước, thậm chí là thế giới có muốn cũng không có được.

Về yếu tố con người, có thể nói, với cá tính hào sảng, tốt bụng còn giữ nguyên từ thuở khai hoang mở cõi cũng là nét hấp dẫn với khách phương xa. Cũng chính vì sự hình thành do tiến trình lịch sử để lại, người Nam Bộ nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đã tạo nên một loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử vừa dân dã cũng rất đỗi hàn lâm đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo thống kê, năm 2013 vùng ĐBSCL đón 20 triệu lượt khách du lịch. Từ đầu năm 2014 đến nay, vùng đất này đón trên 11 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ ngơi, trong đó khách quốc tế chiếm gần 1 triệu lượt.

Tuy nhiên, theo một tính toán của ngành du lịch thì bình quân 1 du khách quốc tế đến Việt Nam 10 ngày, họ chỉ lưu lại ĐBSCL duy nhất 1 ngày. Thu nhập từ du lịch của ĐBSCL còn rất thấp, chỉ chiếm 2,75% thu nhập du lịch của cả nước.

Từ năm 2011 đến nay, ĐBSCL có gần 100 dự án được giới thiệu mời gọi đầu tư gồm những dự án về nhà hàng- khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái và cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đường băng du lịch ĐBSCL vẫn chưa cất cánh được từ những dự án này.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì ĐBSCL có tiềm năng nhưng vẫn còn quá nhiều hạn chế, bất cập kiềm hãm sự phát triển.

Cụ thể như chưa tạo được sự liên kết vùng; sản phẩm du lịch ở các địa phương na ná nhau lại kém phần độc đáo, điều đó dẫn đến khả năng cạnh tranh kém, giá trị thấp nên hiệu quả du lịch không cao. Thêm vào đó là giao thông kết nối các điểm đến còn khó khăn, đầu tư chưa được nhiều, nhân lực thiếu chuyên nghiệp, tiếp thị du lịch còn nhiều hạn chế…

Thời gian qua, ngành du lịch các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đã rất cố gắng tìm động lực để du lịch vùng phát triển, nhưng những cố gắng vẫn cứ quanh quẩn trong khu vực với những sản phẩm của vùng, chủ yếu tập trung vào hệ thống “miệt vườn sinh thái” sẵn có.

Yếu tố này có hấp dẫn nhưng chưa có giá trị đặc thù riêng. Những hình thái du lịch lễ hội các dân tộc của người Khmer (Sóc Trăng, Trà Vinh), của người Chăm (An Giang) và những đình chùa mang tính chất tâm linh của người Kinh, người Hoa vẫn chưa phải là yếu tố “kích cầu”. Người viết cho rằng còn một tiềm năng lớn, rất lớn mà du lịch ĐBSCL nên hướng đến đó là biển và đảo.

Du lịch ĐBSCL cần hướng về phía biển

Người viết đã 3 lần đi khắp các đảo của khu vực Tây Nam Bộ gồm 2 cụm đảo hòn Khoai và hòn Chuối (tỉnh Cà Mau); các cụm đảo Thổ Chu, Nam Du, Tiên Hải (còn gọi là đảo Hải Tặc), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và nhận thấy rằng tiềm năng du lịch biển ở đây là rất lớn.

Trong số những đảo, quần đảo vừa kể, chỉ có Phú Quốc được đầu tư và đã thu hút nhiều du khách thời gian qua. Những đảo còn lại vẫn còn nguyên đó chất hoang sơ đang chờ con người khám phá.

Những đứa trẻ trên đảo Thổ Chu rất hồn nhiên và sẵn sàng dẫn bạn đến bất cứ đâu trên hòn đảo này.

Thổ Chu nằm trong vịnh Thái Lan, cách bờ Rạch Giá 198km. Trên đảo Thổ Chu, du khách sẽ có cảm nhận vô cùng độc đáo khi được đứng trên vùng đất chủ quyền của dân tộc giữa vùng vịnh Thái Lan với biển xanh ngắt ngút ngàn.

Quần đảo Nam Du được nhiều khách du lịch mệnh danh là Hạ Long giữa lòng biển Tây Nam, với 2 thị trấn Nam Du và An Sơn là địa điểm tham quan tuyệt vời với những bãi cát vàng óng ả, cảnh biển hoang sơ, hải sản biển ngon như mới.

Đặc biệt ở đây bạn sẽ ngất ngây khi ngắm mặt trời lặn mỗi chiều và bình minh mỗi sáng. Từ trên đỉnh đảo, trong cái mênh mông của biển, những bãi cát trắng với hàng dừa lặng lẽ ôm ấp các xóm nhỏ trông thật nên thơ.

Riêng cụm đảo Tiên Hải với đặc trưng là nét bí ẩn về câu chuyện băng đảng “Cánh buồm đen” đã được nhà văn Sơn Nam miêu tả trong “Hương rừng Cà Mau” là điểm hiếu kỳ, hấp dẫn gợi tính tò mò khám phá của nhiều du khách.

Quần đào này đẹp đến mê hồn với những cụm đảo nhỏ, lặng lẽ, hiền hòa nhô lên khỏi mặt biển xanh ngắt và nên thơ. Tên gọi quần đảo Hải Tặc, kỳ thực vốn còn khá xa lạ với đông đảo mọi người. Nếu có đơn vị tổ chức tour “Truy tìm kho báu”, tôi dám chắc nó sẽ thu hút được nhiều người tham gia.

Đặc biệt bạn còn có thể đến với những hòn đảo nhỏ như hòn Rùi, hòn Nhạn, nơi mà chỉ có duy nhất một cư dân sinh sống. Một ngày cùng với “Robinson trên đảo hoang” ngay trên vùng biển Việt Nam là những trải nghiệm tuyệt vời.

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền đảo Hải Tặc (Tiên Hải).

Thời gian qua, có nhiều nhóm bạn trẻ tự tổ chức đến những nơi này để du lịch theo kiểu “phượt”. Du lịch “phượt” hấp dẫn nhưng cũng lắm rủi ro đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Cơ sở hạ tầng của những quần đảo này cũng còn thiếu thốn.

Ở Nam Du, Thổ Chu, Hải Tặc, chỉ có một vài nhà nghỉ của người dân xây cất, chưa có một khách sạn nào được triển khai ở đây. Ghe thuyền tham quan đảo hay câu cá, thưởng thức ẩm thực cũng do người dân tổ chức thực hiện một cách tự phát.

Trạm y tế thì có nhưng chủ yếu là do lực lượng Hải quân phụ trách nhằm chăm sóc sức khỏe dân sinh chứ không nhằm phục vụ du lịch. Tàu ra Nam Du mỗi ngày có một chuyến, nhưng ra Thổ Chu lại đợi tới 5 ngày.

Ở nước ta “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. ĐBSCL cũng thế, biển chiếm diện tích nhiều nhất. Người dân khu vực này cũng rất thích du lịch biển, nhưng thường là đi Vũng Tàu, Nha Trang hay ra Côn Đảo, Hạ Long, Lý Sơn. Còn ra những đảo thuộc vùng biển Tây Nam có gần, nhưng chưa thuận lợi.

Thêm vào đó, người dân mình ai cũng mong ước một lần đặt chân đến những địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy sao mình không tạo điều kiện cho họ có cơ hội trải nghiệm biển đảo Tây Nam; cũng là chủ quyền, cũng là biển đảo của Việt Nam?

Người trẻ có thể tự tổ chức “phượt”, nhưng người lớn tuổi thì cẩn thận trong những chuyến hành trình. Do đó, người viết cho rằng cần lắm một “nhạc trưởng” khai thác thế mạnh từ biển là một thắng lợi trong tầm tay, khơi dậy tiềm năng từ biển để tăng thêm lợi thế của du lịch vùng, làm giàu cho quê hương, cho đất nước.

Bài, ảnh: PHAN (TP Vĩnh Long)