Đi tìm đặc sản cho du lịch Vĩnh Long

Cập nhật, 07:59, Thứ Bảy, 18/10/2014 (GMT+7)

Vĩnh Long có một thời nổi tiếng với đặc sản du lịch: du lịch sinh thái. Với hình thái du lịch độc đáo này, du khách được đắm mình với thiên nhiên sông nước, ruộng đồng xinh tươi và các vườn cây trĩu quả, đặc biệt là được tiếp xúc với những con người hồn hậu của vùng châu thổ sông Cửu Long hiền hòa.

Hồi ấy, nói đến các điểm du lịch vườn của ông Sáu Giáo, Tám Hổ,… nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Tiếng lành đồn xa, hình thức du lịch này được nhiều địa phương khác học tập và khai thác theo các thế mạnh riêng của mình và qua hàng chục năm nó không còn là đặc sản của Vĩnh Long nữa, nhưng có điều đáng nói là ở vùng ĐBSCL hiện nay, các hình thức du lịch đó hao hao nhau như đi thuyền trên sông rạch, tham quan chợ (nếu không có chợ nổi), nghe ca vọng cổ và thường kết thúc bằng một cuộc “nhậu trong nhà… ở vườn”, mà các món ăn thì cũng giông giống nhau…

Thời gian qua, để khắc phục sự giống nhau và đơn điệu của các dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch trong vùng, các địa phương đã có một số hội nghị về du lịch, kể cả hội nghị cấp vùng để bàn về sự liên kết của các địa phương và các công ty du lịch để thu hút du khách, nhưng hình như việc triển khai chưa khả quan…

Vì vậy, các nơi đang tự cứu mình bằng các đặc sản mới. Phải gọi là “mới” vì chỉ một thời gian sau một số nơi khác cũng sẽ có, có thể kể như món câu cá trong thiên nhiên của các điểm du lịch tại Kiên Giang, “tát mương bắt cá” tại Vĩnh Long…

Tuy vậy cũng có nơi do người ta quá đà nên thành món “lạ”, như trên sông Cổ Chiên không hiểu sao các thuyền đưa du khách đi tham quan trên sông có cái mui không thường thấy ở miệt đồng bằng Vĩnh Long (?)…

Có một điều rất đáng tiếc nên nói thêm là du khách đến Vĩnh Long muốn mua một vật ẩn chứa dáng hình của địa phương để lưu niệm hay làm quà tặng cho người thân thì không thể tìm, mà điều này không khó khi khách đến Bến Tre (nhiều loại sản phẩm đủ mọi kích cỡ từ cây dừa) hay sản phẩm từ đất hay đá địa phương ở một số nơi khác.

Một người bạn kể với tôi rằng, trước đây đơn vị anh có tiếp một đoàn khách là đối tác nước ngoài và muốn tặng cho mỗi vị khách một món quà nhỏ có ý nghĩa, có người mách tỉnh nhà có ngành gạch ngói lâu đời và là quê hương của gốm đỏ, nhưng khi người của đơn vị đi tìm một sản phẩm gốm đỏ gọn nhẹ và có ý nghĩa thì không thể, vì thực tế chúng thường rất to và nặng không thích hợp là một món quà cho khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài.

Mới đây, qua báo Vĩnh Long phát hành ngày 15/10/2014 cho biết, với kỹ thuật nung liên hoàn ngành gốm đỏ tỉnh nhà đã cho ra những sản phẩm gốm chất lượng cao, đặc biệt một số cơ sở đã làm được sản phẩm gốm rót cải thiện rất nhiều về kích cỡ và trọng lượng có thể phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến tỉnh. Đúng là một tin vui, tỉnh nhà sắp có một đặc sản cho du lịch!

Du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói” đã đem lại thu nhập và việc làm cho người dân địa phương, trước thực tế yêu cầu về các dịch vụ cho khách du lịch ngày càng cao tôi nghĩ một địa phương hay một công ty du lịch ở vùng đồng bằng như Vĩnh Long khó có thể tránh các nhược điểm như sự trùng lắp và đơn điệu do thiếu cơ sở vật chất và cảnh quan thiên nhiên vốn rất giống nhau, vì thế sự liên kết các đơn vị với nhau là vô cùng cần thiết để bổ sung cho nhau tạo nét mới về không gian và các dịch vụ mang tính địa phương để thu hút khách. Đó phải chăng là sự “giống nhau trong đa dạng” của một vùng đồng bằng trù phú mà du khách có thể tìm?

Nguyễn Văn Mười