7 tháng- xăng tăng giá 5 lần

Cập nhật, 12:23, Thứ Sáu, 11/07/2014 (GMT+7)

Trong một ngày “đẹp” 7/7 vừa qua, liên bộ Tài chính- Công thương đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng giá các mặt hàng xăng dầu. Mức tăng lần này đẩy giá xăng Ron 95 lên 26.140 đ/lít và xăng Ron 92 lên 25.640 đ/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của mặt hàng này.

Cũng là lần thứ hai giá xăng dầu tăng kể từ ngày 23/6/2014, với tổng mức tăng 740 đ/lít. Và tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 5 lần tăng giá, nhưng đáng chú ý là chưa có lần nào giảm giá.

Việc liên tiếp tăng giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “thiệt đơn, thiệt kép”. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí đầu vào. Trong ngành vận tải, chi phí nguyên liệu chiếm tới 40-50% giá thành vận tải. Hơn nữa, việc điều chỉnh tăng giá xăng “nhỏ giọt”, gây nhiều khó khăn bởi rất khó xin tăng giá vận tải và thủ tục thì nhiêu khê, rườm rà.

Với cách giải thích về lý do tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính lần nào cũng giống lần nào, là “làm đúng theo quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, đã tính toán cân nhắc kỹ, chia sẻ lợi ích người dân- doanh nghiệp và Nhà nước”. Các doanh nghiệp vận tải mong muốn có sự minh bạch trong kiểm soát giá xăng dầu, bởi việc liên tiếp tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng.

Tuy được cho là khập khiễng, khó chính xác, nhưng nhiều người khi đem so sánh giá xăng ở Việt Nam với một số quốc gia khác, đều cho rằng có điểm chung là giá xăng của họ đều rẻ hơn Việt Nam. Vì thế, có hay không sự hài hòa lợi ích khi hai công cụ mà Bộ Tài chính thường sử dụng là Quỹ bình ổn giá và tăng giá bán lẻ trực tiếp, đều “nhắm” vào túi người tiêu dùng?

Bido2_40.com