Ngao ngán giá sữa leo thang

Cập nhật, 06:09, Thứ Sáu, 28/02/2014 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt hãng sữa lại âm thầm tăng giá. Với mức tăng từ 5- 11%, không chỉ người tiêu dùng mà người bán cũng lắc đầu ngao ngán.


Người tiêu dùng ngán ngẩm khi giá sữa cứ đến hẹn lại lên.

Cùng với sữa ngoại, nhiều hãng sữa nội cũng đã đưa ra thông báo tăng giá. Từ ngày 10/2, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng giá bán khoảng 6- 11% nhiều sản phẩm sữa. Hiện Dielac Pedia 3+ hộp thiếc giá 175.000 đ/hộp 400g, Dielac Optimum 375.000 đ/hộp 900g, Dielac Anpha 123 là 208.000 đ/hộp 900g…

“Hầu hết tất cả các mặt hàng sữa đều đã tăng giá 10%. Có loại tăng một lượt, có loại chia thành 2 đợt. Các mặt hàng sữa ngoại tăng 2 lần/năm, lần tăng chừng 5%, còn một số mặt hàng sữa nội 1 năm tăng 1 lần nhưng có khi tăng mười mấy phần trăm.

Một số công ty đã có thông báo tăng giá trước tết nhưng 10/2/2014 mới bắt đầu áp dụng bán giá mới”- chị Châu- chủ tiệm tạp hóa Bửu Châu (thị trấn Long Hồ- huyện Long Hồ) cho biết.

Các sản phẩm từ sữa cũng đua nhau tăng giá. Thùng sữa tươi (12 lốc) lên gần 20.000 đ/thùng, sữa chua, sữa đặc cũng lên 1.000 đ/hộp… Nhiều nhân viên tiếp thị sữa cũng than giá sữa tăng kéo theo việc các cửa hàng, đại lý nhập sữa ít và chậm hơn. “Mỗi lần tăng giá, sức mua lại giảm”- anh Trần Văn Vũ- nhân viên tiếp thị sữa Vinamilk phụ trách địa bàn một số xã ở Mang Thít cho biết.

Nói về nguyên nhân giá sữa tăng, nhiều chủ cửa hàng, đại lý cho biết, công ty giải thích do nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng, dẫn đến sữa đến tay người tiêu dùng cũng tăng theo.

Giá nguyên liệu chính như bột, dầu bơ… trên thế giới đã tăng vài chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá sữa như: chi phí vận chuyển, chi phí mua nguyên liệu.

“Sữa tăng giá đã khiến chúng tôi phải bấm bụng chi thêm tiền để mua sữa cho con uống chứ không biết cho con dùng sản phẩm gì thay thế được nữa”- chị Nguyễn Anh Thy (thị trấn Long Hồ) than.

Trong khi đó, chị Trương Thị Ngọc Tươi (xã Phú Thịnh- Tam Bình) có con trai 4 tuổi bức xúc:
 
“Sữa tăng giá hoài, tôi đổi sang loại rẻ hơn cho con nhiều lần rồi- từ sữa bột chuyển sang sữa tươi luôn. Giờ lại tăng nữa, lương công nhân đâu có bao nhiêu nên chắc phải hạn chế cho con ngưng uống sữa”.

Trong khi người tiêu dùng phải hụt hơi chạy theo giá sữa, thì một số cửa hàng cũng cho biết khi giá sữa tăng người bán cũng phần nào chịu thiệt. Bởi không chỉ lời ít hơn mà còn có khi mất mối.

“Khách hàng thấy giá tăng là dọ giá kỹ lắm, chênh lệch chút đỉnh là bỏ đi chỗ khác mua. Bởi vậy, hễ giá tăng là có khi thời gian đầu phải bán giá vốn để giữ mối”- một chủ tiệm sữa ở chợ Vĩnh Long nói.

Theo ghi nhận, tuy giá sữa nội lẫn sữa ngoại đều tăng, nhưng người tiêu dùng có xu hướng chọn sữa nội nhiều hơn. Anh Hồ Chí Hiếu- chủ cửa hàng Hiếu (thị trấn Long Hồ) nói:

Giá sữa tuy có dao động nhưng giá sữa nội vẫn còn mềm hơn giá sữa ngoại, lại là “hàngViệt chất lượng cao” nên người tiêu dùng cũng an tâm hơn. Chỉ mong sao các chính sách bình ổn giá được thực hiện nghiêm túc để người tiêu dùng đỡ phần nào chi phí”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung- chủ tạp hóa Hưng Long (thị trấn Cái Vồn- TX Bình Minh) than thở: Năm nào giá sữa cũng tăng mấy lần. Mỗi đợt tăng, người mua ngán ngẩm, người đổi sang loại khác rẻ hơn, người thì cho con… dừng uống. Lợi nhuận giảm, người bán rầu thúi ruột. Nghe nói kiềm giá sữa, trông hoài mà sao chưa thấy?”
 
Chị Trương Thị Ngọc Tươi nói thêm: “Sữa là mặt hàng thiết yếu mà tăng giá hoài, tăng gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng. Riêng tôi đã phải tiết kiệm nhiều để mua sữa cho con nên hễ thấy tăng là ngán lắm. Hy vọng sắp tới giá sữa sẽ thực sự được bình ổn”.

Bài, ảnh: THẢO ANH