Lúa vàng đồng, đỏ mắt tìm nhân công

Cập nhật, 14:44, Thứ Sáu, 28/06/2013 (GMT+7)

Những chiếc lều tạm mọc lên mỗi khi lúa đổ vàng đã hiếm thấy trên những cánh đồng. Suốt hành trình chúng tôi phiêu bạt trên những cánh đồng trong những ngày qua là hình ảnh chiếc máy gặt đập liên hợp quen thuộc. Bóng dáng của những nhân công theo mùa gặt lúc lưa thưa, lúc vắng bóng hẳn. Họ đã đi đâu, về đâu khi giá công cắt tăng đột biến chưa từng có?


Dù sốt giá nhưng nhiều nông dân vẫn khó tìm được người gặt lúa.

Khan hiếm thợ gặt

Hai tuần trước, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, những đồng lúa chín rệu rã, lúa ngậm nước lên mộng. Chúng tôi đang loay hoay chụp ảnh, có tiếng gọi: “Mấy đứa lại đây chụp hình đi, lúa nó nằm mẹp, chỗ nào cũng lên xanh hơn tấc”.

Ngồi bệt trên bờ ruộng, bác Bảy Xê ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) đã gọi chúng tôi khi nãy than “mệt quá mấy đứa ơi”. Không biết do mưa hay mồ hôi mà áo bác Bảy ướt đẫm. Rồi bác Bảy kể: Những năm trước, ở đây biết bao nhiêu là nhân công, tới mùa lúa chín là họ dập dìu. Kêu giá không được tốp này thì mình kêu tốp khác.

Còn 2 năm nay, không ai mướn cắt tay vì đã có máy gặt đập liên hợp. Cho nên mùa này, dù mưa hay lũ thì họ cũng đâu có tới nữa. Kêu công cắt riết rồi lúa lên mộng luôn mà họ cũng không thèm tới. Oải quá, nên bắt thằng con trai, con rể, con dâu ra làm luôn. Bác Bảy cười khì: “Tao gom cả nhà đi cắt lúa, thấy đã chưa”.

Cũng chung cảnh ngộ, nhưng anh Hai Thanh ở Ấp 3A (Phú Lộc- Tam Bình) ngồi bó gối. Anh than 10 công nằm ngoài đồng chín rồi, đang chờ trời nắng lên mới kêu máy cắt được: “Ngồi chờ máy mà tôi rầu thúi ruột, còn kêu nhân công cắt thì kiếm đỏ mắt không thấy đâu”.
 
Thấy có công ruộng sập lâu quá nên anh đã nhờ mấy anh em thân trong xóm lại làm phụ. Anh nói, đem về nhà phải phơi khô mới bán được. Còn khoảng 8 công ruộng rút nước ra được nên có thể nắng lên là máy vô cắt được nên cũng đỡ lo.

Những ngày nắng lên, trên đoạn đường từ xã Hòa Bình đến Xuân Hiệp, thuộc Đường tỉnh 901, quan sát mãi cũng khó thấy bóng dáng nhân công cắt lúa.
 
Tạt qua ven đường hỏi thăm, một số người dân đang phơi lúa ở ấp Hồi Thạnh, Xuân Hiệp cho biết: “Cánh đồng này từ hổm rày trời mưa, người nào cũng đợi máy gặt. Bây giờ nắng lên kiếm nhân công làm gì nữa? Những năm trước đây nhân công ở Trà Vinh lên đây rất nhiều, nhưng bây giờ không còn ai đâu”.

Ngồi dưới tán cây, bác nông dân Nguyễn Bé Năm ấp Phú Sơn B (Long Phú- Tam Bình) tỏ vẻ lo lắng: “Hổng biết nhân công theo mùa lúa họ đã đi đâu hết rồi”. Nhà chú có 15 công ruộng, sạ 2 loại lúa. Tuần trước, giá lúa ngắn ngày OM5451 có 82.000 đ/giạ, còn lúa thơm nhẹ OM7347 90.000 đ/giạ.

“Thấy rẻ nên tôi định cắt máy, rồi phơi xong mới bán. Nông dân mà chú, kiếm được đồng nào đỡ đồng đó. Không ngờ, thương lái hôm qua nói lúa lên rồi, loại 5451 đã 84.000 đ/giạ, còn thơm nhẹ 7347 thì từ 93.000- 94.000 đ/giạ. Tôi mừng quá, nhưng mà hổm rày tìm nhân công để phơi 15 công này mà không có. Dân ở đây đi làm hết rồi”- chú Năm tâm sự.

Nhân công ngó lơ mùa gặt

Những ngày mưa nhiều, chúng tôi bắt gặp chú Năm Gon ở ấp Nhơn Trí (Nhơn Bình- Trà Ôn) cùng người cha già đang nối những sợi dây để bó lúa. Chú Năm Gon nói, mới xin được mớ dây, máy gặt không được vì nước nằm trên lúa rồi, mộng lên dài luôn, chỗ nào gặt máy thì gặt, chỗ phải gặt tay thì làm trước.

Thấy đồng kế bên có nhóm người gặt lúa, tôi kêu nhưng nghe người ta nói giá mà ớn lạnh: “400.000 đ/công là vịt ăn ít, còn 350.000 đ/công là vịt ăn thả ga!” “Nếu lúa nằm lâu ngày quá sẽ hư. Mình đành chịu giá cao chứ không nó cắt đổ lúa, để vịt ăn thả ga là chết hơn. Còn không mướn thì dân nhà sao cắt cho nổi?”- chú Năm Gon giải thích.

Anh Tư Tùng cùng ấp nói vô, nhân công bây giờ hiếm lắm. Anh nói, trong danh bạ điện thoại có một nhóm nhân công làm lúa mướn ở Loan Mỹ, Thôn Rôn, Tam Bình. Ruộng nhiều, nên những lúc giặm lúa, nhổ cỏ, xịt thuốc,… anh thường điện thoại để mướn, giữ mối.

Anh Tùng nói: “Cho nên tới mùa lúa chín mà nếu họ đi làm ở nơi khác thì nhờ họ gom quân giùm mình. Nhưng ý là quen thân như vậy mà hôm tuần rồi mình gọi điện, kêu dân cắt lúa là nhóm của bà Hương từ bên Tam Bình qua cắt, họ ngó thấy lúa rồi kêu giá cái một là 500.000 đ/công. Mình nói dò để họ giảm giá nhưng không ngờ… họ về luôn không ngoảnh lại!”.

Không được mối Tam Bình, anh Tùng tiếp tục gọi điện thoại cho chị Xinh bên Thôn Rôn (Trà Côn). Thường trời nắng là kiếm mướn đã khó, còn đằng này mưa dầm. Cũng có người cắt, nhưng giá lên không biết đường đâu mà lần. Anh Tùng than: “Trước giờ giá công cắt đâu có cao như vậy”. Kì kèo mãi bên nhóm chị Xinh mới đồng ý giá hữu nghị 400.000 đ/công (cắt bó).

Anh Tùng đúc kết, bây giờ làm ruộng kỵ sập. Làm sao chăm sóc cho lúa… cứng cáp đừng để sập sớm là tốt nhất.

Anh nói: Còn lỡ sập lúc đang trổ đòng thì nghĩ ngay đến những mối quen. Mình hẹn trước chứ gần chín mà liên hệ thì khỏi kiếm, bởi những mối ruột của anh- những tay chuyên theo mùa gặt lúa mướn- đã đi lên Sài Gòn hay ra tận Bình Dương mưu sinh bằng đủ thứ nghề.

 
Còn anh Phạm Hoàng Yên ở ấp Phú Sơn C (Long Phú- Tam Bình) thì ngả ngửa với công cắt “một giá”: 500.000 đ/công. Anh Yên nói, lúa sập lâu ngày nằm sát đất, chủ đất mới kêu cắt, chứ mới sập hoặc trút nước ruộng khô thì máy vẫn cắt được hết. Giá cao, nhưng cả cánh đồng cũng chỉ có vài hộ kêu cắt tay thôi. Cho nên đỏ mắt tìm nhân công cắt mà nhân công muốn cắt thì cũng… mỏi mắt tìm người mướn.

Giữa trưa nắng, chạy qua cầu Sập (trên Đường tỉnh 905), chúng tôi bắt gặp một đoàn gồm 5 người, da sạm nắng. Người trước xách giỏ đựng lưỡi hái, người đi sau quảy quần áo, đồ đạc.
 
Hỏi qua mới biết họ đúng là những thợ gặt chuyên nghiệp. Họ cho biết, cả nhà đi qua phụ bên bác sui gặt lúa, đang chuẩn bị đón xe về nhà bên Bình Minh để làm tiếp. Một người đàn ông tên Sết trong nhóm cho biết: “Bên tui cũng còn nhân công cắt, nếu cần tôi kêu cho. Còn tôi thì tới mùa làm phụ vài bữa, chứ mai mốt là lên Sài Gòn làm rồi chú ơi”.

Bài, ảnh: TẤN ANH- THÚY QUYÊN