Thị trường nông thôn:

Tiềm năng của hàng Việt còn bỏ ngỏ

Cập nhật, 06:14, Thứ Tư, 13/02/2013 (GMT+7)

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt phải cạnh tranh gay gắt với DN nước ngoài, thì thị trường nông thôn có thể xem là vùng đất “màu mỡ” đang chờ khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khoảng trống…


Lãnh đạo tỉnh tham quan Hội chợ Thương mại giống và vật tư
nông nghiệp Vũng Liêm năm 2012.

Người tiêu dùng- Doanh nghiệp: Chưa... “gặp nhau”!

Tại Vĩnh Long, từ khi cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được phát động, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2009 chỉ thực hiện 1 chương trình đưa hàng về nông thôn, đã có 44 DN tham dự, đón tiếp 12.000 lượt khách, tổng doanh số bán hàng trên 860 triệu đồng. 2 năm tiếp theo, đã thực hiện 4 chương trình, thu hút trên 56.600 lượt khách, tổng doanh số bán hàng đạt trên 2,4 tỷ đồng. Tất cả hàng hóa tại phiên chợ đều là hàng trong câu lạc bộ hàng Việt chất lượng cao.

Anh Phan Văn Tý-  Trưởng khu vực Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp nhãn hàng Biti’s (Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên) cho biết: “Thường xuyên tham gia những chuyến hàng Việt về nông thôn, Biti’s luôn có những chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng như giảm giá hoặc tặng phẩm kèm theo… Bên cạnh đó, để thương hiệu đi vào lòng dân, Biti’s không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo sự gần gũi với người dân và liên kết tốt với đại lý bán lẻ”.

Song, sau những phiên chợ ồn ào, sôi nổi của những chuyến hàng Việt thì đâu lại vào đấy, chợ dân sinh vẫn là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đặc biệt với người dân vùng nông thôn. Ở đó vẫn hiện hữu nhiều mặt hàng gia dụng Trung Quốc hoặc hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc.

Một tiểu thương ở chợ Phước Yên (Long Hồ), cho biết: “Cũng bán hàng Việt, nhưng hàng Trung Quốc dễ bán, mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn. Lấy hàng giá sỉ tại TP Hồ Chí Minh, tôi ít để ý đến xuất xứ, quan trọng là hàng bán chạy, mang lại lợi nhuận cao”.

Trong khi đó, nhiều DN sản xuất chỉ tập trung đưa hàng vào các cửa hàng riêng hoặc siêu thị. Đã có một khoảng thời gian, người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt. Chỉ khi hàng nhái, hàng giả tràn lan, thì người dân mới bắt đầu quay lại hàng Việt, nhưng cũng chỉ ở mức khiêm tốn.

Lý giải cho những khoảng trống của hàng Việt ở nông thôn, nhiều chuyên gia cho rằng DN chưa nắm bắt được nhu cầu của người dân nông thôn, chưa thiết lập được hệ thống phân phối. Nếu có thì hệ thống phân phối cũng qua nhiều tầng nấc nên đội giá lên cao.

Đại diện Phòng Quản lý Thương mại- Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Đưa hàng Việt về nông thôn, DN phải bỏ ra chi phí khá cao nhưng lợi nhuận không bao nhiêu, chủ yếu phục vụ cho dân. Bên cạnh đó, việc tìm địa điểm bán hàng gặp khó vì đòi hỏi phải có vốn ban đầu, đội ngũ nhân viên… Hiện chỉ Siêu thị Co.op Mart có kế hoạch tìm nơi bán hàng thường xuyên tại địa bàn nông thôn”.

Mở lối cho hàng Việt về nông thôn

Để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt dễ hơn và khai thác có hiệu quả thị trường nông thôn, đòi hỏi các DN phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin, quảng bá sản phẩm, tăng cường hơn nữa số lần tổ chức đưa hàng về nông thôn, hàng hóa cần phong phú, đa dạng hơn.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và tạo ra kênh phân phối thường xuyên cũng là một hướng đi bền vững, giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với hàng Việt chất lượng cao.


Chất lượng đảm bảo và giá cả hợp túi tiền nên hàng Việt
càng được người tiêu dùng ưa chuộng.


Sau khi tham gia hội chợ Thương mại giống- vật tư nông nghiệp Vũng Liêm năm 2012, anh Âu Thanh Hiếu- chủ cơ sở sản xuất mứt me đóng hộp Hồng Phượng (Long Hồ) tìm được nhiều cơ sở nhận làm đại lý bán lẻ cho sản phẩm của mình. Anh bày tỏ: Lúc trước chỉ bán hàng quanh chợ thành, đến chợ huyện mới nhận thấy nhu cầu ở nông thôn là rất lớn. Chất lượng đảm bảo và giá cả hợp túi tiền nên cơ sở của tôi được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tương tự, anh Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Chế biến thực phẩm và thương mại Hồng Hương (Long Hồ) cho biết: “Tham gia hội chợ là một cách giới thiệu sản phẩm đồng thời khẳng định thương hiệu, tạo lòng tin đối với người dân vùng nông thôn. Hiện DN sẽ tiếp tục tham gia những hội chợ hàng Việt về nông thôn để tìm kiếm, khai thác thị trường mới”.

Bà Võ Thị Bảy- Chủ tịch Công đoàn Siêu thị Co.op Mart chia sẻ : Trong năm 2012, Co.op Mart đã đưa 16 chuyến hàng lưu động về nông thôn, không chỉ để quảng bá thương hiệu mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, của Ban Tổng giám đốc, giúp người dân tiếp cận hàng Việt dễ dàng hơn.
 
Bên cạnh đó, để khách hàng dễ mua chúng tôi đã kết hợp với chính quyền địa phương tìm hiểu và chọn ra những sản phẩm thiết yếu cho người dân. Song, dù có chuẩn bị trước nhưng có khi vẫn không đủ hàng hóa để bán. Từ những chuyến hàng lưu động sáng đi chiều về, chúng tôi quyết định ở lại bán qua đêm để phục vụ tốt hơn. Nhiều người cho biết, họ mua hàng Việt vì có xuất xứ rõ ràng, lại có bảo hành”.

Con đường về nông thôn của hàng Việt đã mở nhưng vẫn còn lắm chông gai, bán hàng lưu động là một cách làm hay nhưng chưa bền vững. DN cần có chiến lược thích hợp khai thác thị trường tiềm năng này. Quan trọng nhất vẫn là sự ủng hộ, niềm tin của khách hàng dành cho hàng Việt.

Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nói: “Các cơ quan, tổ chức và nhân dân hãy thể hiện nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tỉnh nhà nói riêng phát triển nhanh và bền vững”.

Bài, ảnh:  THẢO NGỌC