Hút thuốc lá được chứng minh ảnh hưởng lâu dài đến hệ miễn dịch

Cập nhật, 21:57, Chủ Nhật, 10/03/2024 (GMT+7)

Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Viện Pasteur, ngoài tác động ngắn hạn đến khả năng miễn dịch, hút thuốc lá còn gây ra hậu quả lâu dài.

Hệ miễn dịch của mỗi người khác nhau đáng kể về mức độ hiệu quả mà chúng phản ứng trước các cuộc tấn công của vi sinh vật. Nhưng làm thế nào có thể giải thích được sự biến thiên này? Những yếu tố nào gây ra những khác biệt này?

Darragh Duffy- tác giả nghiên cứu, nhận xét: “Để trả lời câu hỏi quan trọng này, chúng tôi đã thành lập nhóm Milieu Intérieur gồm 1.000 cá nhân mạnh khỏe từ 20- 70 tuổi vào năm 2011. Một số yếu tố như tuổi tác, giới tính và di truyền được biết là có tác động đáng kể đến hệ miễn dịch, mục đích của nghiên cứu mới này là xác định những yếu tố nào khác có ảnh hưởng nhiều nhất”.

Các nhà khoa học đã cho các mẫu máu lấy từ các cá nhân trong nhóm Milieu Intérieur tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn (vi rút, vi khuẩn,v.v.) và quan sát phản ứng miễn dịch của chúng bằng cách đo mức độ các cytokine được tiết ra.

Sau đó, họ đã xác định 136 biến số (chỉ số khối cơ thể, hút thuốc, số giờ ngủ, tập thể dục, các bệnh thời thơ ấu, tiêm chủng, môi trường sống,v.v.) có ảnh hưởng nhiều nhất đến các phản ứng miễn dịch được nghiên cứu. 3 biến số nổi bật: hút thuốc, nhiễm virus cytomegalo tiềm ẩn và chỉ số khối cơ thể.

Liên quan đến việc hút thuốc, một phân tích dữ liệu cho thấy phản ứng viêm, ngay lập tức được kích hoạt khi bị nhiễm mầm bệnh, tăng cao ở những người hút thuốc, và hơn nữa, hoạt động của một số tế bào liên quan đến trí nhớ miễn dịch bị suy giảm.

Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy việc hút thuốc không chỉ phá vỡ các cơ chế miễn dịch bẩm sinh mà còn cả một số cơ chế miễn dịch thích nghi. Darragh Duffy nói: “So sánh phản ứng miễn dịch ở người hút thuốc và người đã từng hút thuốc cho thấy phản ứng viêm nhanh chóng trở lại mức bình thường sau khi cai thuốc lá, trong khi tác động lên khả năng miễn dịch thích nghi vẫn tồn tại trong 10- 15 năm”.

CHIÊU HÂN (nguồn: the journal Nature)