Tìm ra nguyên nhân gây đông máu hiếm gặp sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Cập nhật, 15:20, Thứ Bảy, 04/12/2021 (GMT+7)

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyên bố đã tìm ra cơ chế phân tử dẫn đến tình trạng đông máu hiếm gặp liên quan đến tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Nhóm các nhà khoa học ĐH Bang Arizona (Mỹ), ĐH Cardiff (Anh) cùng Hãng AstraZeneca kết hợp nghiên cứu chứng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin (VITT), còn được gọi là huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)- một tình trạng đe dọa tính mạng gặp ở một số rất nhỏ người sau khi chủng ngừa vắc xin Hãng Oxford-AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson.

Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ cryo-EM hiện đại để phân tích vắc xin AstraZeneca chi tiết. Phát hiện của họ cho thấy vectơ vi rút adeno được sử dụng để đưa vật liệu di truyền của vi rút corona vào tế bào và cách nó liên kết với yếu tố tiểu cầu 4 (PF4) sau khi được tiêm vào có thể là cơ chế tiềm năng.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, vector vi rút có thể xâm nhập vào máu và liên kết với PF4- nơi hệ miễn dịch coi phức hợp này là ngoại lai. Các nhà khoa học tin rằng sự miễn dịch đặt sai vị trí này có thể dẫn đến việc giải phóng các kháng thể chống lại PF4. Kháng thể này liên kết và kích hoạt các tiểu cầu, khiến chúng tụ lại với nhau và gây ra cục máu đông ở một số rất ít người sau khi tiêm vắc xin.

Abhishek Singharoy- một trong những tác giả nghiên cứu nói: “Điều thực sự quan trọng là phải điều tra đầy đủ các tương tác véc tơ- vật chủ của vắc xin ở cấp độ cơ học. Điều này sẽ giúp hiểu được cả cách vắc xin tạo ra khả năng miễn dịch và cách nó có thể dẫn đến bất kỳ tác dụng phụ hiếm gặp nào, chẳng hạn như VITT”.

Phát hiện vừa được công bố trên Tạp chí quốc tế Science Advances.

TUYẾT HUỲNH

(Nguồn: MedicalXpress)