Đột phá RNA tạo ra cây trồng phát triển hơn 50% sản lượng

Cập nhật, 06:10, Thứ Bảy, 24/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Một nhóm các nhà khoa học ĐH Chicago (Mỹ), ĐH Bắc Kinh và ĐH Quý Châu (Trung Quốc) thông báo rằng thao tác với RNA có thể cho phép cây trồng tạo ra nhiều vụ mùa hơn đáng kể, cũng như tăng khả năng chịu hạn.

Trong các thử nghiệm ban đầu, việc bổ sung gien mã hóa cho một loại protein có tên là FTO vào cả cây lúa và khoai tây đã làm tăng năng suất của chúng lên 50% trong các thử nghiệm thực địa.

Các cây lớn hơn đáng kể, tạo ra hệ thống rễ dài hơn và có khả năng chịu hạn tốt hơn. Phân tích cũng cho thấy rằng các cây đã tăng tốc độ quang hợp của chúng.

“Sự thay đổi thực sự rất ấn tượng. Hơn nữa, nó hoạt động với hầu hết mọi loại cây mà chúng tôi đã thử cho đến nay và đó là một sửa đổi rất đơn giản để thực hiện”- GS. Chuan He (ĐH Chicago), GS. Guifang Jia (ĐH Bắc Kinh)- cho biết.

Các nhà nghiên cứu hy vọng về tiềm năng của bước đột phá này, đặc biệt là khi đối mặt với biến đổi khí hậu và các áp lực khác đối với hệ thống cây trồng trên toàn thế giới.

Protein FTO- loại protein đầu tiên được biết đến có tác dụng xóa các dấu vết hóa học trên RNA. Họ đã thử chèn gien của nó vào cây lúa và sau đó kinh ngạc theo dõi khi cây lớn lên.

Các cây lúa phát triển gấp 3 lần cây lúa thường trong điều kiện phòng thí nghiệm. Khi họ trồng thử trong các cuộc kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, cây đã tăng trưởng khối lượng hơn 50% và năng suất lúa cao hơn 50%. Chúng mọc rễ dài hơn, quang hợp hiệu quả hơn và có thể chịu được căng thẳng do hạn hán tốt hơn.

Các nhà khoa học đã lặp lại các thí nghiệm với cây khoai tây, chúng thuộc một họ hoàn toàn khác. Kết quả là như nhau.

TUYẾT HUỲNH (Nguồn: Nature Biotechnology)