Tạo polymer bền vững từ đường trong gỗ

Cập nhật, 16:39, Chủ Nhật, 17/01/2021 (GMT+7)

Các nhà khoa học ĐH Bath đã tạo ra một loại polymer bền vững bằng cách sử dụng loại đường phong phú thứ 2 trong tự nhiên- xylose.

Vật liệu lấy cảm hứng từ thiên nhiên mới không chỉ giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm dầu thô mà còn có thể dễ dàng kiểm soát các đặc tính của nó để làm cho vật liệu trở nên dẻo hoặc kết tinh.

Các nhà nghiên cứu cho biết polymer thuộc họ polyether, có nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm như một khối xây dựng cho polyurethane, được sử dụng trong nệm và đế giày; như một chất thay thế có nguồn gốc sinh học cho polyethylene glycol- một hóa chất được sử dụng rộng rãi trong y sinh học; hoặc polyetylen oxit, đôi khi được sử dụng làm chất điện phân trong pin.

Nhóm nghiên cứu cho biết có thể bổ sung thêm chức năng cho loại polymer đa năng này bằng cách liên kết các nhóm hóa học khác như đầu dò huỳnh quang hoặc thuốc nhuộm với phân tử đường, cho các ứng dụng cảm biến sinh học hoặc hóa học.

TS. Antoine Buchard nói: “Chúng tôi rất vui mừng vì có thể sản xuất vật liệu bền vững này từ một nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào- gỗ. Sự phụ thuộc của nhựa và polymer vào nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt là một vấn đề lớn và các polymer có nguồn gốc sinh học- những loại có nguồn gốc từ nguyên liệu tái tạo như thực vật- là một phần của giải pháp để làm cho nhựa bền vững”.

TUYẾT HUỲNH

(Nguồn: Phys.org)