Giữ nước ngọt cho miền Tây thế nào?

Cập nhật, 06:09, Chủ Nhật, 10/01/2021 (GMT+7)

ThS. Kỷ Quang Vinh không tán thành việc đổ xô làm hồ trữ nước ngọt cho miền Tây bởi mưa ngày càng ít, hạn mặn gay gắt thì lấy đâu nước để trữ?    

Phối cảnh hồ trữ ngọt Lạc Địa ở huyện Ba Tri (Bến Tre) được đề xuất đầu tư.
Phối cảnh hồ trữ ngọt Lạc Địa ở huyện Ba Tri (Bến Tre) được đề xuất đầu tư.

Sau khi hồ trữ nước ngọt Ba Tri (Bến Tre)- được xem là lớn nhất ĐBSCL- bị nước mặn tấn công khi vừa đưa vào sử dụng, thất bại ngay trong mùa khô 2019- 2020, cho đến nay, bằng nhiều biện pháp, tình trạng trên đã cơ bản được xử lý, nhưng nước vẫn không thể ngọt hoàn toàn.

Cùng với dự án này, tỉnh Bến Tre đang muốn đầu tư một dự án hồ trữ nước ngọt lớn hơn là dự án hồ trữ nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ- Ba Tri) với tổng vốn đầu tư trên 352 tỷ đồng.

Ngoài Bến Tre, trong đợt hạn mặn 2020, một số tỉnh ĐBSCL cũng có đề xuất xây dựng các hồ chứa nước lớn.

Theo ThS. Kỷ Quang Vinh- nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, trước kia, lượng mưa của lưu vực sông Mekong khá cao, nhưng những năm gần đây hạn hán xuất hiện nhiều, lượng mưa ít hơn trước nhiều và chưa biết trong tương lai thế nào.

Cho nên, phải có cái nhìn thấu đáo, từ nguồn nước đến các phương pháp trữ nước, không thể cứ chăm chăm xây hồ, mai này lấy nước ở đâu để chứa khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, hạn hán nhiều hơn?

Vị chuyên gia này cũng rất phản đối việc tập trung xây dựng một nhà máy hay hồ chứa nước ngọt lớn tới nhiều tỷ đồng để cung cấp cho các tỉnh.

Việc này, theo ông khó khả thi, bởi như vậy người dân phải đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, cách xa mấy chục ký lô mét để lấy nước, chưa kể vận chuyển thế nào, chi phí vận chuyển ra sao?... cũng cần phải suy nghĩ. Nếu làm đường ống nước kỹ thuật từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng gây tốn kém về đất đai, tiền của.

ThS. Kỷ Quang Vinh cho biết, Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên vốn là 2túi chứa nước vào mùa khô của ĐBSCL, hàng năm có thể hấp thu tới 10 tỷ mét khối nước mỗi vùng. Ngày xưa nước tương đối đầy đủ, 2 vùng này được khai phá, xây dựng đê bao để trồng lúa. 

Chính hệ thống đê bao đã làm mất khả năng trữ nước của khu vực. Tính toán cho thấy, lượng nước hàng năm mất khoảng 16 tỷ mét khối nước ngọt, nên ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy trong mùa kiệt, gây xâm nhập mặn ở các địa phương cuối nguồn.

“Tôi cho rằng cần mạnh dạn nghiên cứu khôi phục lại càng nhiều càng tốt 2 túi nước tự nhiên của ĐBSCL. Dĩ nhiên, việc này phải tính toán rất kỹ, không thể làm theo kiểu cưỡng chế vì người dân đã an cư, làm thì sẽ phải quy hoạch lại khu dân cư”- vị chuyên gia nói.

Bên cạnh đó, theo ông, từng địa phương, từng người phải làm nơi chứa nước riêng cho địa phương và cá nhân gia đình mình. Nếu Nhà nước muốn can thiệp thì có thể giúp đỡ địa phương.

Cần tận dụng những hào ao sẵn có, cải tạo chúng, nạo vét sâu kinh mương để trữ nước nhiều nhất trong mùa mưa để dùng trong mùa khô, tái cấp bổ nước ngầm, thậm chí vận động từng hộ nông dân trữ nước trong mương, vườn nhà họ.

Trong điều kiện mới, có thể khó khăn hơn xưa, có thể giúp người dân làm các lu, khạp chứa nước tốt hơn, rộng hơn để đủ nước dùng.

Như ở vùng Ba Tri, Bến Tre, hệ thống cát, chất hữu cơ khiến mặn xâm nhập vào trong hồ. Lúc đầu nước trong hồ vẫn ngọt, nhưng khi dùng nước nhiều, áp lực nước trong hồ mất đi, lúc thủy triều lớn, áp lực bên ngoài mạnh đưa mặn vào. Do đó, phải nghiên cứu lại biện pháp xử lý.

Chẳng hạn, có thể bao phủ hồ trữ nước ngọt Ba Tri bằng màng chống thấm HDPE hay bằng vật liệu bê tông...

“Màng chống thấm HDPE thường dùng để nuôi tôm. Ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu nuôi tôm bán công nghiệp, người dân trải 1 lớp màng HDPE dưới ao tôm để không cho nước bên ngoài ngấm vào và không cho nước ở trong thấm ra, đồng thời có thể điều chỉnh dòng chảy của nước để vệ sinh cặn lắng ở hồ.

Trong trường hợp muốn làm tốt hơn, có thể nghiên cứu gia cố bằng bê tông. Đã làm bê tông thì nên chủ động nước, xây cao hơn, chứa được nhiều nước hơn. Nhưng như vậy phải bơm nước, nước không thể vào tự nhiên được.

Tôi nhấn mạnh chuyện này phải nghiên cứu và đưa ra các phương án thật sự khoa học phù hợp với môi trường địa phương”- ThS. Kỷ Quang Vinh nêu rõ.

Một giải pháp khác được ông đề cập đó là có thể xử lý nước mặn thành nước ngọt để cung cấp cho người dân. Trước kia, công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt còn lạc hậu, 100 lít nước biển chỉ lấy được chừng 40 lít nước ngọt, giá thành chuyển đổi quá cao nên giải pháp này chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, ngày nay công nghệ đã tiên tiến hơn, 100 lít nước biển có thể lấy được 80 lít nước ngọt, nước đạt tiêu chuẩn của Singapore, giá thành có thể rẻ hơn.

“Cứ giao cho tư nhân làm như điện mặt trời, thấy có lợi họ sẽ làm ngay”- ThS. Kỷ Quang Vinh nói và cho biết, năm ngoái ông biết thông tin một người ở Ba Tri được hỗ trợ dự án 1 tỷ đồng để biến nước mặn thành nước ngọt, có thể cung cấp nước tương đối cho một xã.

“Không thể có một phương án chung cho toàn vùng, mà tùy điều kiện từng địa phương để lựa chọn phương án thích hợp, kinh tế và khả thi. Muốn vậy, phải có nghiên cứu khoa học, từ đó hỗ trợ các địa phương”- ThS. Kỷ Quang Vinh kết luận. 

ĐÔNG PHƯƠNG (theo Đất Việt)