10 kỹ năng sinh tồn cho trẻ

Cập nhật, 13:12, Chủ Nhật, 20/09/2020 (GMT+7)

 

Thổi bong bóng giúp trẻ biết hít thở sâu và từ đó biết cách giữ bình tĩnh.
Thổi bong bóng giúp trẻ biết hít thở sâu và từ đó biết cách giữ bình tĩnh.

Trẻ cần học những kỹ năng sinh tồn như giữ bình tĩnh trong một số tình huống, tự vệ hay cách phát tín hiệu cầu cứu.

Tự cứu khi đuối nước: Khi rơi xuống nước, mất kiểm soát, con người thường khua tay do hoảng sợ. Hành động theo bản năng như vậy khiến tình hình thêm tệ.

Do đó, phụ huynh cần dạy con chiến thắng bản năng. Lúc này, trẻ nên cố gắng nổi bằng cách giữ thẳng lưng để tạo thành đường thẳng với chân, thực hiện các cú đá nhỏ để cơ thể trồi lên mặt nước.

Tạo lửa: Người lớn nên hướng dẫn con các bước để tạo lửa. Đầu tiên, họ cùng con tìm kiếm củi, gỗ khô, xếp chúng theo khung chữ A. Cuối cùng, phụ huynh dạy con cách đánh lửa. Thông qua việc này, trẻ rèn luyện khả năng tổ chức cùng kỹ năng sinh tồn khi bị lạc trong môi trường hoang dã.

Phản ứng với trường hợp khẩn cấp: Phụ huynh cũng cần hướng dẫn con cách ứng phó các trường hợp khẩn cấp nhỏ như xử lý vết thương nhẹ, cách thoát khỏi đám cháy, chườm đá khi bị thương và biết khi nào cần gọi cảnh sát.

Thu thập nước mưa: Để khuyến khích trẻ học tập kỹ năng này, cha mẹ có thể cùng con lắp ráp hệ thống hứng nước mưa tự chế. Phương pháp rất đơn giản. Họ chỉ cần lắp thùng lớn ở ngoài nhà, bên dưới đường ống nối với mái nhà và có thêm nắp đậy thùng khi trời không mưa để phòng muỗi.

Giữ an toàn khi bị lạc: Đầu tiên, trẻ cần nhớ số điện thoại của người nhà và nên đứng yên tại một chỗ, bất kể lạc trong rừng hay nơi đông người. Nói chuyện với người lạ có thể có ích nhưng con chỉ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những bà mẹ mang theo con nhỏ.

Nếu lạc trong rừng, trẻ cần biết tìm nước trước vì con người có thể nhịn ăn lâu hơn. Tuy nhiên, trẻ nên thu thập sương đọng trên lá thay vì đến gần nơi nguy hiểm như sông, hồ, suối. Cha mẹ cần dạy con không ngủ dưới đất mà nên lót lá, cành cây. Ngoài ra, trẻ không nên ăn gì cả để tránh nguy cơ ngộ độc.

Tự bảo vệ trước động vật hoang dã: Tùy thuộc vào nơi sống, phụ huynh dạy con kỹ năng cơ bản khi gặp động vật hoang dã. Ví dụ, nếu sống ở nơi thường có rắn, người lớn nên dạy con không đến gần hay cố gắng xử lý chúng. Trẻ không đưa tay vào nơi mắt không nhìn thấy hay vớt “cành cây” trôi trên sông.

Giữ bình tĩnh và suy nghĩ tích cực: Để làm được, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thở sâu. Cách đơn giản để rèn luyện là cho con chơi trò thổi bong bóng. Lúc này, trẻ học cách hít vào lâu và thổi ra hơi dài. Sự hoảng loạn thường dẫn đến hậu quả xấu. Do đó, phụ huynh phải dạy con cách giữ bình tĩnh và suy nghĩ tích cực khi gặp tình huống khó khăn.

Ăn mặc phù hợp thời tiết: Trước khi cùng con đi chơi, người lớn nên yêu cầu con tự chọn quần áo. Sau đó, họ đánh giá, hỏi lý do con chọn và giúp con chọn lại nếu cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn con bôi kem chống nắng hoặc chống muỗi tùy trường hợp. Nếu trẻ quen với việc này từ nhỏ, nó sẽ trở thành thói quen tốt.

Học kỹ năng tự vệ: An toàn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, phụ huynh nên cho con tham gia các lớp dạy kỹ năng tự vệ cơ bản. Điều này giúp trẻ tự tin, biết tự bảo vệ mình và phát triển kỹ năng xã hội.

Phát tín hiệu cầu cứu: Khi vào rừng cắm trại, cha mẹ luôn đeo còi vào cổ trẻ. Đây là một trong những vật dụng giúp con phát tín hiệu cầu cứu khi cần thiết.

Đương nhiên, người lớn nên dạy con thời điểm và cách sử dụng phù hợp. Trẻ nên thổi 3 lần, dừng lại, rồi thổi tiếp 3 lần cho đến khi có người tìm thấy. Trẻ không nên la hét, tránh mất sức, cũng không nên thổi liên tục vì sẽ không nghe thấy tiếng người lớn gọi mình.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo khoahoc.tv)