Mang Internet không dây xuống dưới nước

Cập nhật, 06:32, Chủ Nhật, 21/06/2020 (GMT+7)

 

Internet đã kết nối hàng chục tỷ thiết bị trên toàn cầu, nhưng vẫn chưa đưa web xuống dưới nước- cho đến hiện tại.

Các nhà khoa học đã xây dựng một hệ thống hoạt động như một bộ tăng tốc WiFi cho các thợ lặn dưới biển sâu, cho phép họ chia sẻ hình ảnh và cảnh quay thời gian thực đến các máy tính trên mặt nước.

Được gọi là “Aqua-Fi”- công nghệ sử dụng sóng radio để truyền dữ liệu từ điện thoại thông minh của thợ lặn đến Raspberry Pi gắn vào thiết bị dưới nước của họ. Đèn led hoặc chùm tia laser, sau đó gửi dữ liệu đến một máy tính trên bề mặt nước để chuyển nó thành hình ảnh hoặc video.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và cho biết hệ thống của họ có khả năng “tải lên và tải xuống đa phương tiện giữa 2 máy tính cách nhau vài chục cm đến trên 1m trong nước tĩnh”, với tốc độ truyền dữ liệu ở mức 2,11 megabyte mỗi giây.

Basem Shihada (ĐH Khoa học và Công nghệ King Abdullah), cho biết: “Mọi người từ cả học viện và ngành công nghiệp đều muốn theo dõi và khám phá môi trường dưới nước một cách chi tiết”. Và hiện anh ấy và nhóm của anh đã phát triển một hệ thống làm việc đó.

Aqua-Fi hỗ trợ các dịch vụ Internet, như gửi tin nhắn đa phương tiện, sử dụng đèn led hoặc laser.

Tương tự như bộ tăng tốc làm tăng phạm vi WiFi của bộ định tuyến Internet gia đình, Aqua-Fi gửi dữ liệu bằng chùm sáng tới máy tính trên mặt nước được kết nối với Internet qua vệ tinh. Máy tính chuyển đổi hình ảnh và video thành một chuỗi 1 và 0, được dịch thành các chùm sáng bật và tắt ở tốc độ rất cao.

“Đây là lần đầu tiên Internet được sử dụng dưới nước hoàn toàn không dây. Chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện chất lượng liên kết và phạm vi truyền với các thành phần điện tử nhanh hơn”- Shihada nói.

“Chúng tôi đã tạo ra một cách tương đối rẻ và linh hoạt để kết nối môi trường dưới nước với Internet toàn cầu. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó, Aqua-Fi sẽ được sử dụng rộng rãi dưới nước như WiFi ở trên mặt nước”- Shihada nói thêm.

TUYẾT HUỲNH (Nguồn: Mail Online/Science)