Vi rút corona có dễ lây qua tiền mặt?

Cập nhật, 05:06, Chủ Nhật, 09/02/2020 (GMT+7)

LTS: Vi rút corona có bám trên tiền mặt và lây nhiễm qua tiền mặt? Điện thoại, bàn phím máy tính, tay nắm cửa phải được làm sạch như thế nào để khử khuẩn, diệt vi rút và phòng vi rút corona lây lan? TS. Nguyễn Hồng Vũ- chuyên ngành sinh học phân tử trong y học, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) đã trả lời trên Tuổi trẻ online. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Tiền bạc có thể là nguồn lây nhiễm vi rút corona, nên cần rửa tay kỹ bằng xà bông, dung dịch rửa tay khô sau khi giao dịch. Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG
Tiền bạc có thể là nguồn lây nhiễm vi rút corona, nên cần rửa tay kỹ bằng xà bông, dung dịch rửa tay khô sau khi giao dịch. Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG

* Vi rút corona có bám trên tiền mặt và lây lan qua tiền mặt? Làm gì để an toàn khi dùng tiền mặt cũng như các vật dụng khác như tay nắm cửa, điện thoại, bàn phím máy tính...? (Bạn đọc Anh Khoa)

- Khi đã có bằng chứng cho thấy vi rút có mặt ở trên tay nắm cửa thì việc vi rút có mặt trên tờ tiền là chuyện có thể xảy ra.

Xin nhắc lại là trong nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của vi rút SARS ngoài môi trường, người ta thấy vi rút khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22- 25°C, độ ẩm 40- 50% (đây là môi trường phòng máy lạnh).

Tuy nhiên, khả năng sống của vi rút bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn (ví dụ: 38°C và độ ẩm > 95% làm khả năng sống của vi rút giảm hơn 1.000 lần). Vi rút corona nCoV này rất gần giống với SARS nên thời gian tồn tại của chúng trong môi trường cũng gần như vậy.

Như tôi đã nói, sự sống của vi rút ngoài môi trường phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng mặt trời. Nên nếu so với tay nắm cửa trong ngôi nhà đóng kín thì vi rút trên tờ tiền có thời gian sống ngắn hơn.

Để an toàn, trong thời gian có dịch, mọi người nên cẩn thận rửa tay bằng xà bông sau khi giao dịch bằng tiền mặt.

Về việc vệ sinh những vật dụng quen thuộc hàng ngày như điện thoại, bàn phím máy tính... thì nếu sử dụng điện thoại, máy tính công cộng, mọi người nên cẩn thận lau chùi điện thoại, mặt bàn phím bằng khăn giấy tẩm một ít cồn 70- 80 độ trước khi sử dụng (chỉ cần tẩm vừa ẩm là được).

* Tôi đọc trên mạng có thông tin nói cồn sát khuẩn sau khi lau hoặc xịt chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, hiểu như vậy có đúng không? (Bạn đọc Thanh Xuân)

-  Sau khi xịt cồn và lau rửa thì bề mặt đã sạch, nên chuyện có tác dụng lâu hay không còn phụ thuộc vào nguồn nhiễm tiếp sau đó như thế nào.

* Đang có thông tin 2019-nCoV có thể biến đổi gien để thích ứng với các điều kiện môi trường khác nhau, tôi thấy lo âu. Liệu khả năng này có cao không? (Bạn đọc Minh Thành)

-  Việc vi rút biến đổi gien để tiến hóa, thích ứng với môi trường vật chủ thường xảy ra trong tự nhiên, nhất là với những vi rút như corona (nCoV).

Việc biến đổi gien thường xảy ra khi vi rút gặp một vi rút khác tương tự chúng, như trường hợp nCoV đang được các nhà khoa học nghi ngờ là do sự đột biến tái tổ hợp (recombination) giữa vi rút cúm trong dơi và vi rút cúm ở người để từ đó vi rút của dơi có thể nhảy sang người và gây bệnh.

Việc biến đổi gien cũng có thể xảy ra trong sự tiến hóa của chính chúng để có thể trở nên kháng thuốc, để xâm nhập tế bào tốt hơn, để né được sự tấn công của các tế bào miễn dịch đã nhận ra chúng. Một ví dụ đó là vi rút cúm Flu thay đổi liên tục khiến chúng ta phải chích ngừa lại trong mỗi đầu mùa dịch hàng năm.

6 điều cần nhớ để phòng dịch corona 

1. Rửa tay bằng xà bông hoặc các dung dịch có cồn để tiêu diệt vi rút dính trên tay.

2. Dùng khăn giấy hoặc tay áo che lại khi hắt xì, điều này giúp giảm tối đa việc lây nhiễm cho người khác nếu bạn đã có vi rút trong người.

3. Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc người bị nghi là đã nhiễm vi rút.

4. Ăn các thức ăn nấu chín và uống nước sôi để nguội.

5. Tránh xa động vật vì vi rút corona được cho là có nguồn gốc từ động vật.

6. Tránh đến chỗ đông người, nếu đến thì nên đeo khẩu trang y tế để tránh hít phải các hạt dịch có chứa vi rút trong không khí khi người bệnh hắt xì hoặc ho.

PV (theo TTO)