Giấc mơ điện gió

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 23/01/2020 (GMT+7)

Anh Đồng Ngọc Quí (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) có niềm đam mê đặc biệt với việc chế tạo thiết bị điện gió. Giấc mơ này đã nhen nhóm trong anh cả chục năm trời. Sau nhiều lần thất bại, giấc mơ đó đã trở thành sự thật...

Anh Đồng Ngọc Quí bên thiết bị quạt điện gió do anh sáng chế.
Anh Đồng Ngọc Quí bên thiết bị quạt điện gió do anh sáng chế.

Không khó để tìm đến nhà anh Quí vì ở đầu chợ xã Trung Hiệp chỉ duy nhất nhà anh có cánh quạt điện gió quay tròn trên sân thượng. Đến nhà anh vào một buổi tối cuối năm, ánh đèn điện rực sáng. Điều đặc biệt là ánh điện không bắt nguồn từ điện lưới mà từ thiết bị điện gió do chính anh tạo ra.

Anh Quí học chuyên ngành luật và quản lý văn hóa. Khối ngành xã hội này xem ra không mấy liên quan đến “giấc mơ điện gió” của anh, nhưng nguồn điện “xanh” vẫn sáng lên bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng.

Anh Quí bộc bạch, ngay cả khi chưa biết phải làm điện gió ra sao, nhưng lúc xây nhà, anh đã thiết kế sẵn 4 chân đế trên sân thượng để dành chỗ cho những cánh quạt điện gió sau này.

Thật ra, trong quá trình đi tìm nguồn năng lượng xanh, anh đã từng có ý định lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Suy đi tính lại, đầu tư theo kiểu này thì chi phí khá cao, mà chỉ phát huy tác dụng vào ban ngày. Trong khi điện gió thì chi phí thấp hơn mà ngày- đêm- mưa- nắng gì đi nữa thì quạt cũng có thể quay và tạo ra điện. Từ suy nghĩ này, anh quyết định làm điện gió!

Nghĩ là làm, sau thời gian dày công tự mày mò tìm hiểu qua nhiều nguồn tài liệu, sách báo cũng như học hỏi trên mạng, các bộ phận chính của thiết bị điện gió bước đầu được anh phác thảo gồm: trụ đỡ, bộ phận tuabin phát điện, bánh lái điều chỉnh hướng, cánh quạt đón gió, hệ thống điều khiển,…

Lý thuyết là vậy nhưng khi bắt tay vào làm mới biết mọi chuyện không dễ chút nào. Nhất là phần thiết kế cánh quạt, để cánh đón gió tốt, quay êm là cả một kỳ công.

Đầu tiên, anh chọn chất liệu bằng kim loại để làm cánh quạt. Tuy nhiên, trong quá trình uốn tạo độ cong cần thiết để cánh quạt đón gió thì không được chuẩn nên khi vận hành quạt quay không êm. “Có tổng cộng 6 cánh mà 1 cánh làm không chuẩn thì kể như không.

Chỉ riêng phần cánh quạt thôi đã khiến tôi mất ăn mất ngủ nhiều đêm, làm xong lại bỏ. Sau nhiều lần thất bại với cánh quạt kim loại, tôi chuyển qua sử dụng chất liệu nhựa để thay thế, không ngờ lại thành công ngoài mong đợi”- anh Quí chia sẻ một cách đầy tự hào.

Ngó lên cánh quạt đang no gió quay tít trên sân thượng, anh Quí cho biết phải mất mấy năm trời mới hoàn thiện thiết bị và tạo ra nguồn điện xanh để sử dụng.

Anh Đồng Ngọc Quí luôn tin rằng điện gió hoàn toàn có thể đến được với người dân ở những nơi xa xôi nhất. Trong ảnh: Thiết bị điện gió được lắp trên sân thượng giúp anh Quí tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng điện.
Anh Đồng Ngọc Quí luôn tin rằng điện gió hoàn toàn có thể đến được với người dân ở những nơi xa xôi nhất. Trong ảnh: Thiết bị điện gió được lắp trên sân thượng giúp anh Quí tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng điện.

Theo anh, chiều cao tối ưu để một thiết bị điện gió hoạt động hiệu quả là phải hơn 10m so với mặt đất và ở nơi trống trải càng tốt. Thiết bị điện gió mà anh đang vận hành nhìn từ xa thì nhỏ gọn nhưng thực tế có chiều cao từ chân đế lên đến đỉnh quạt gần 3m và đường kính vòng quay cánh quạt là 2,2m.

Để hạn chế rủi ro, anh Quí đã lắp đặt thêm bộ phận phanh tuabin ngắt điện phòng khi có mưa bão, lốc xoáy.

Nếu tốc độ gió ổn định thì mỗi giờ thiết bị của anh có khả năng tạo ra 1,2- 1,5kW điện và anh sử dụng 4 bình ắc quy (loại 75 ampe) để tích trữ. Theo tính toán của anh Quí, giá thành để làm ra một hệ thống điện gió khoảng 20 triệu đồng.

Với công suất hiện tại, thì chỉ cần lắp 2 thiết bị điện gió là cung cấp đủ điện cho một gia đình với ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt. Do các thiết bị này ít khi vận hành cùng lúc nên việc đáp ứng nhu cầu điện là nằm trong tầm tay.

Chưa kể, khi nguồn điện cạn kiệt thì chỉ cần 1 giờ quạt gió quay là tiếp tục có điện để sử dụng. Trường hợp trời đứng gió, nguồn điện sinh hoạt nhờ vào bình ắc quy tích trữ hoặc kết nối song song với điện lưới.

Tính ra, một năm anh đã tiết kiệm khoảng 5.400kW điện, hay nói đúng hơn, anh đã chính tay mình tạo ra lượng điện trên bằng thiết bị điện gió.

Sắp tới đây, anh Quí sẽ cải tiến thiết bị điện gió với cánh quạt lớn hơn và kết nối với bộ tăng tốc, nhằm đảm bảo an toàn, độ bền thiết bị cũng như đảm bảo công suất.

Khi thiết bị được cải tiến và đạt hiệu quả tối ưu, anh Quí có tâm huyết đưa sản phẩm của mình đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở những vùng nông thôn sâu chưa kết nối được điện lưới quốc gia. Bởi anh luôn tin tưởng rằng điện gió hoàn toàn có thể đến được với người dân ở những nơi xa xôi nhất.

Hy vọng trong năm mới này, giấc mơ điện gió của anh Quí tiếp tục chắp cánh, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng!

Bài, ảnh: THÀNH LONG