Phương pháp đột phá: 1 giờ quét sạch ung thư "sát thủ" ở quý ông

Cập nhật, 15:38, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Công nghệ mới do Đại học California ở Los Angeles (Mỹ) sẽ giúp hàng loạt bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt không phải đối mặt với phẫu trị- vốn có "tác dụng phụ" gây ám ảnh là rối loạn cương dương.

Công nghệ đột phá mới ứng dụng sóng siêu âm và gần như làm "nổ" các khối u do ung thư tuyến tiền liệt chỉ trong 1 giờ. Trong thử nghiệm trên 115 bệnh nhân, khối u đã bị phá hủy ở 80% các trường hợp.

Xét nghiệm lại trong vòng 1 năm cho thấy phương pháp đã thực sự hiệu quả ở 65% bệnh nhân: những người này hoàn toàn hết ung thư tuyến tiền liệt, không có dấu hiệu tái phát nào.

Các tế bào ung thư - ảnh minh họa từ SHUTTERSTOCK/KATERYNA KON
Các tế bào ung thư - ảnh minh họa từ SHUTTERSTOCK/KATERYNA KON

Giáo sư Steven Raman, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học California ở Los Angeles (Mỹ) cho biết toàn bộ quy trình được thực hiện trong máy quét MRI để các bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ việc điều trị, đánh giá mức độ và vị trí "tấn công".

Hệ thống của họ, mang tên TULSA đã cung cấp một liều chính xác của sóng siêu âm đến mô tuyến tiền liệt bị ung thư, trong khi tránh các mô khỏe mạnh. Nó hoạt động bằng cách sử dụng một thiết bị hình que, đưa vào niệu đạo để phát sóng siêu âm.

Các yếu tố được điều khiển tự động bằng thuật toán phần mềm để dạng, hướng, cường độ của chùm siêu âm luôn chuẩn xác và phù hợp với bệnh nhân.

Đây là một thủ thuật ngoại trú với thời gian phục hồi nhanh chóng. Nó giúp rất nhiều quý ông tránh được phẫu trị, một vấn đề khiến nhiều người lưỡng lự, cố trì hoãn vì có thể gây ra các tác dụng phụ như rối loạn cương dương hay tiểu không tự chủ.

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong các dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Các thống kê cho thấy có tới 1/8 đến 1/9 nam giới phải đối mặt với căn bệnh này ít nhất một lần trong đời.

Theo NLĐO