Những ứng dụng thiết thực của AI trong cuộc sống

Cập nhật, 05:31, Thứ Bảy, 23/11/2019 (GMT+7)

Không chỉ tạo ra cơn sốt về công nghệ, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence- AI) còn đặt viên gạch đầu tiên cho một kỷ nguyên máy móc, từng bước thay thế con người thực hiện những công việc từ đơn giản cho tới không tưởng.

 

Giáo viên robot ứng dụng công nghệ AI.
Giáo viên robot ứng dụng công nghệ AI.

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, không còn là điều mới mẻ. AI đang trở thành một xu thế tất yếu trong nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, khoa học, giáo dục của nhân loại.

AI thật ra xuất hiện trên thế giới từ năm 1956, song chỉ đến khi bùng nổ công nghệ thông tin kỷ nguyên 4.0, thì trí tuệ nhân tạo mới thực sự làm rung chuyển thế giới. AI đã được con người ứng dụng vào nhiều mặt cuộc sống, không chỉ tạo ra cơn sốt về công nghệ, mà còn đặt viên gạch đầu tiên cho một kỷ nguyên máy móc, từng bước thay thế con người thực hiện những công việc từ đơn giản cho tới không tưởng.

 AI thay đổi lĩnh vực giáo dục

AI giúp giáo dục dễ tiếp cận với học sinh có các thiết bị thông minh, nếu họ không thể tham gia lớp học truyền thống. AI có thể tự động hóa và thực hiện các nhiệm vụ quản trị của giáo viên cũng như đánh giá bài tiểu luận và chấm bài trắc nghiệm,... Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets năm 2017, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường AI trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ dự kiến tăng 47,5% trong giai đoạn 2017- 2021.

AI cũng có thể giúp số hóa sách giáo khoa hoặc tạo các giao diện kỹ thuật số trong học tập, áp dụng cho học sinh thuộc mọi độ tuổi và cấp lớp. Một nền tảng khác được gọi là Netex Learning, cho phép giáo viên thiết kế chương trình và nội dung kỹ thuật số trên nhiều thiết bị, gồm video, âm thanh và hỗ trợ trực tuyến. Nội dung ảo như bài giảng kỹ thuật số và hội nghị video cũng thực hiện
nhờ AI.

Ứng dụng AI vào y tế

Robot có giá trị ước tính 40 tỷ USD với ngành chăm sóc sức khỏe, có thể phân tích nhiều dữ liệu, từ hồ sơ tiền y tế cho đến các công cụ cần dùng trong cuộc phẫu thuật. Ứng dụng robot có thể giúp giảm 21% thời gian nằm viện của bệnh nhân. Một nghiên cứu thực hiện trên 379 bệnh nhân chỉnh hình cho thấy, quy trình với robot có sự hỗ trợ của AI gây ra ít biến chứng hơn gấp 5 lần, so với các cuộc phẫu thuật chỉ có bác sĩ phẫu thuật. Việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế có thể tiết kiệm cho ngành chăm sóc sức khỏe 20 tỷ
USD/năm.

Việc dùng AI để chẩn đoán cho bệnh nhân vẫn còn ở bước đầu, song đã có nhiều ứng dụng thú vị. Nghiên cứu của ĐH Standford thử nghiệm thuật toán AI để phát hiện ung thư da và nó thực hiện thao tác ở mức như con người. AI cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện thế hệ công cụ X-quang kế tiếp, mà không phụ thuộc vào các mẫu mô.

Trợ lý ảo

AI giúp các trợ lý ảo linh hoạt hơn trong xử lý yêu cầu, nhờ học hỏi thói quen sinh hoạt của người dùng và dự đoán cảm xúc. Trong tương lai, các “nàng” Siri, Alexa... được kỳ vọng có thể nhận diện qua giọng nói, phân tích ký tự. Ngoài ra, trợ lý còn có thể tự đưa ra các quyết định hoặc đặt lịch hẹn cho chủ nhân dựa trên tình hình giao thông, thời tiết...

Nhà thông minh

AI là tương lai của công nghệ nhà ở. Theo đó, các bộ lõi nhà thông minh có khả năng học hỏi và ghi nhớ người dùng qua lệnh giọng nói, hành vi, thói quen... sau đó kết hợp cùng xu hướng vạn vật Internet. Chẳng hạn, ngay khi bạn thức dậy thì một ly cà phê nóng đã chuẩn bị sẵn từ chiếc máy làm cà phê do AI kích hoạt.

Xe tự lái

Năm 2016, Công ty Otto sở hữu bởi Uber đã thành công trong việc vận chuyển 50.000 lon bia Budweisers bằng xe vận tải tự lái. Về lợi ích kinh tế, ứng dụng AI cho vận tải đường dài có thể giảm chi phí, ngoài ra còn giúp hạn chế tối đa những tai nạn chết người.

Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Gartner dự đoán, đến năm 2020, trên toàn cầu sẽ có 250 triệu chiếc xe kết nối với nhau thông qua hệ thống Wi-Fi. Chúng sẽ tự “giao tiếp” để cho ra lộ trình tốt nhất.

Mua sắm

Từ năm 2013, Amazon ấp ủ tham vọng nâng sức ảnh hưởng của AI lên chuỗi giá trị cho khách hàng. Cụ thể, hãng được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng bán hàng cho người dùng trước khi người tiêu dùng có ý định mua. Món hàng đúng với sở thích, thói quen, nhu cầu... sẽ có mặt trước nhà của họ, việc còn lại là thanh toán.

Bên cạnh đó, AI còn giúp người làm trong lĩnh vực kinh doanh định giá cho sản phẩm.

ĐÔNG PHƯƠNG

(Theo khoahoc.tv/khampha)