Bao bì phân hủy sinh học thay thế nhựa làm từ hạt và vỏ bí ngô

Cập nhật, 08:39, Thứ Bảy, 21/09/2019 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới chứng minh rằng chất thải bí ngô có thể được tái chế thành một dạng bao bì phân hủy sinh học thay thế bao nhựa gói thực phẩm.

Kỹ sư thực phẩm Laxmikant Badwaik thuộc ĐH Tezpur ở Assam (Ấn Độ) và các đồng nghiệp đã thu gom hạt bí ngô chín và vỏ từ một thị trường địa phương. Sau khi rửa và sấy khô vật liệu, các nhà nghiên cứu nghiền vỏ và hạt thành bột và qua một quá trình loại bỏ chất dầu. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thêm nước vào bột và trộn các hỗn hợp thu được trước khi xử lý bằng siêu âm để phá vỡ các polyme bên trong.

Hỗn hợp được xử lý làm lạnh và làm dẻo bằng glycerol- thường được biết đến với công dụng chất làm ngọt và chất nhũ hóa đậu nành để giúp các hợp chất trộn lẫn.

Cuối cùng, hỗn hợp tạo màng được rót qua các tấm Teflon và để trong 2 ngày làm khô ở khoảng 50°C, với canxi clorua được thêm vào để tăng sức mạnh.

“Bột và vỏ hạt bí ngô đã khử chất béo được sử dụng thành công để phát triển các màng phân hủy sinh học”- các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của họ.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các tính chất khác nhau của màng bọc, gồm màu sắc, độ dày, nóng chảy, độ thấm hơi nước và độ bền cơ học.

Theo TS. Badwaik và các đồng nghiệp, màng bọc rất lý tưởng để dùng trên các sản phẩm thực phẩm như bánh mì, bánh và kẹo,v.v.

“Quá trình hiệu quả hơn về chi phí do sử dụng vật liệu phế thải và phương pháp làm màng phim dễ dàng. Một mô hình thương mại bền vững và kinh tế hơn cần được phát triển để tạo ra những màng bọc thực phẩm cạnh tranh với màng polymer tổng hợp”- nhóm nghiên cứu viết.

HẢI HUỲNH

(Nguồn: the journal Food and Bioproducts Processing)