Trung Quốc sẽ đưa ra thị trường "thịt nhân tạo" vào tháng 9 tới

Cập nhật, 15:47, Thứ Hai, 12/08/2019 (GMT+7)

Các nhà khoa học Trung Quốc sẽ chính thức tung ra thị trường “thịt nhân tạo” vào tháng 9. Loại thịt mà Trung Quốc tạo ra có nguồn gốc từ thực vật.

Ông Lý Kiện, người đã dành hai năm qua nghiên cứu thịt nhân tạo ở Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Trường Giang)
Ông Lý Kiện, người đã dành hai năm qua nghiên cứu thịt nhân tạo ở Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Trường Giang)

"Thịt nhân tạo" thế hệ thứ nhất được một nhóm các nhà khoa học của Đại học Công thương Bắc Kinh (Trung Quốc) nghiên cứu, sẽ có mặt tại thị trường nước này trong tháng 9 với sản phẩm bánh trung thu nhân thịt.

Ông Lã Trung Minh, người sáng lập thương hiệu “Thịt thực vật” cho biết: “Sản phẩm đầu tiên chúng tôi đưa ra năm nay là bánh trung thu thịt nhân tạo mô phỏng bánh thịt tươi Thượng Hải. Khi so sánh sản phẩm của chúng tôi với bánh thịt thật, nhiều người Thượng Hải gốc cũng không phân biệt được”.

Tuy nhiên, theo ông Lý Kiện, trưởng nhóm nghiên cứu, mùi vị của thịt vẫn là khó khăn mà nhóm phải khắc phục.

“Mùi của mỗi loại thức ăn mà chúng ta ngửi được, do vài trăm thậm chí hơn nghìn loại vật chất tạo thành. Làm thế nào phân tách để loại bỏ các vật chất không phù hợp là điểm khó mà chúng tôi gặp phải”, ông Lý Kiện cho hay.

Ông cũng cho biết, việc cho ra đời các sản phẩm làm từ thịt băm như sủi cảo, thịt viên, tiến dần đến bò bít tết, sườn, thịt kho tàu sẽ là hướng phát triển của nhóm trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện loại thịt này chưa thể tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc. Ông Chung Khải, Phó Giám đốc Trung tâm trao đổi thông tin thực phẩm và dinh dưỡng (CFIC) Trung Quốc nhận định, trong ngắn hạn, thịt nhân tạo chưa có thị trường lớn, tuy nhiên vẫn có thị trường nhất định.

“Khi kinh tế phát triển, một bộ phận tầng lớp trung lưu hoặc người giàu, sẽ có nhu cầu về sức khỏe và ẩm thực gần với người tiêu dùng ở các nước Âu Mỹ”, ông Khải nói.

Được biết, “thịt nhân tạo” chủ yếu gồm 2 loại, 1 loại sử dụng mô và tế bào gốc của động vật để nuôi cấy thành; 1 loại dùng đạm thực vật như đậu nành để chế biến, nên còn gọi là “thịt chay”.

Chế biến thịt nhân tạo là một ngành công nghiệp mới mẻ. Nhiều nước vẫn đang nghiên cứu loại thịt này. Hồi đầu năm, hãng ăn nhanh Burger King của Mỹ cũng vừa đưa ra phiên bản bánh nhân thịt chay.

Với những người ủng hộ, đây là loại thịt giúp giảm thiểu các tác động về môi trường và khí thải nhà kính của các hoạt động chăn nuôi, phù hợp với những người ăn chay và ăn kiêng, có lợi cho sức khỏe. Những người phản đối thì cho rằng, loại thịt này chưa chắc đã an toàn hơn và mất đi hương vị tự nhiên vốn có.

Là quốc gia tiêu thụ nhiều thịt hàng đầu thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, “thịt thực vật” nên trở thành hướng nghiên cứu quan trọng ở nước này và hiện nó vẫn đang trong giai đoạn sơ khai./.

Theo VOV