Sở hữu trí tuệ- tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm

Cập nhật, 05:07, Thứ Bảy, 08/06/2019 (GMT+7)

 

Lãnh đạo tỉnh tham quan ở lĩnh vực khoa học- công nghệ về sở hữu trí tuệ.
Lãnh đạo tỉnh tham quan ở lĩnh vực khoa học- công nghệ về sở hữu trí tuệ.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016- 2020, qua 2 năm thực hiện (2017- 2018) đã góp phần nâng cao nhận thức về tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm…

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học- Công nghệ đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, giới thiệu 27 hộ kinh doanh, hợp tác xã nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ…

Ông Lý Công Danh- Phó trưởng Phòng Công nghệ cho biết, hiện toàn tỉnh có 1.129 văn bằng bảo hộ. Trong đó có 1.101 nhãn hiệu, 108 kiểu dáng công nghiệp, 2 sáng chế, 8 giải pháp hữu ích và 1 chỉ dẫn địa lý (sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh). Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về hỗ trợ tư vấn thiết kế, tra cứu và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Trong khi đó, tham dự các cuộc triển lãm trong tỉnh, trong và ngoài khu vực cũng góp phần giúp các tài sản trí tuệ của tỉnh được giới thiệu, quảng bá.

Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh cũng hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu tập thể, thiết kế bao gói đựng sản phẩm, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, xây dựng trang web, đăng ký mã số mã vạch nhằm gia tăng giá trị sản phẩm phục vụ việc giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho rượu đế Cái Sơn, cam sành Tam Bình, bánh tráng Cù lao Mây, mít Thành Lợi, thanh long Hậu Lộc.

Việc hỗ trợ ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm chế biến và xuất khẩu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng được chú trọng. Sở Khoa học- Công nghệ hỗ trợ ứng dụng thông tin khoa học và công nghệ, đặc biệt là thông tin sáng chế phục vụ nghiên cứu, triển khai nhằm tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới…

Trong công tác hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến và chi phí tham gia các chương trình truyền thông quảng bá phát triển tài sản trí tuệ, Sở Khoa học- Công nghệ cũng đã hỗ trợ Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước tái công nhận GlobalGAP; xây dựng website quảng bá sản phẩm cho bưởi Năm Roi Mỹ Hòa.

Còn nhiều mục tiêu phấn đấu

Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Nguyễn Văn Tùng cho biết, có 5 nội dung trong chương trình phát triển tài sản trí tuệ được UBND tỉnh phê duyệt. Trong 2 năm thực hiện đã đạt được những thuận lợi và được sự ủng hộ từ những cá nhân, doanh nghiệp. Song vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tới.

Các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ đạt được nhiều kết quả sau 2 năm triển khai.  Ảnh minh họa
Các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ đạt được nhiều kết quả sau 2 năm triển khai. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam chia sẻ, các doanh nghiệp đã được Sở Khoa học- Công nghệ rất quan tâm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký nhãn hiệu khá nhiều nhưng thật sự nhãn hiệu nổi tiếng còn khá ít.

Đặc biệt, trong năm qua, chương trình thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng được. “Sở Khoa học- Công nghệ có thể mở các lớp tập huấn dựa trên nội dung của tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia giúp cho doanh nghiệp có một tư duy mới, tiền đề để doanh nghiệp vươn lên”- ông Nguyễn Tường Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Tường Nam, chúng ta có những nhãn hiệu tập thể như cam sành Tam Bình, tàu hủ ky Mỹ Hòa, bánh tráng Cù lao Mây… làm sao phát triển thành thương hiệu tập thể, hỗ trợ những thương hiệu nhỏ hơn. Đặc biệt trong thời gian tới triển khai chương trình mỗi làng một nghề.

“Tôi nghĩ song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cũng phải nhận dạng ngay phẩm chất, chất lượng, quy trình công nghệ của sản phẩm ngay thời gian ban đầu, tạo động lực để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển thị trường”- ông nói.

Th.S Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, “trong thời gian qua, chúng tôi gặp một số khó khăn do sự trùng lặp về đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, phối hợp chưa chặt chẽ”.

“Thời gian tới các doanh nghiệp, hợp tác xã tránh sự đầu tư trùng lắp. Chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới như quản lý hiệu quả chương trình đầu tư, phát huy chứng nhận, tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu sản phẩm của mình để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất... Đồng thời cần có sự đầu tư, hỗ trợ, kiểm soát, tiếp tục phát huy nhãn hiệu và có thêm thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia...”- Th.S Nguyễn Văn Liêm đề xuất.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- PHƯƠNG THÚY