Kết nối phố

Học Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh

Cập nhật, 07:49, Thứ Tư, 17/04/2019 (GMT+7)

Mới đây, Đà Nẵng công bố đề án xây dựng thành phố thông minh gồm 3 giai đoạn phát triển với chi phí đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng. Nếu thành công, mỗi năm Đà Nẵng sẽ tiết kiệm 1.000 tỷ đồng chi phí cũng như tiết kiệm 10- 20% nguồn lực.

Theo đó, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020, thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; giai đoạn 2021- 2025, thực hiện thông minh hóa các ứng dụng; giai đoạn 2026- 2030, thực hiện thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tiếp tục đầu tư các dự án nhằm phổ biến các ứng dụng thông minh đến cộng đồng, doanh nghiệp.

10 năm qua, Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và đạt điểm tối đa về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước.

Theo khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, Đà Nẵng xác định 6 trụ cột ứng dụng công nghệ thông tin ở 17 lĩnh vực gồm: quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh và công dân thông minh.

Bà Phạm Thị Mỹ Linh- Thứ trưởng Bộ Xây dựng- cho rằng đề án cần đảm bảo tính liên thông, liên vùng trong việc triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh, phải có sự kết nối giữa các sở- ngành, quận- huyện; chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để hệ thống thống nhất về dữ liệu, không tắc về quy trình; tập trung nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu không gian đô thị, phục vụ công tác tham mưu, hoạch định các định hướng phát triển thành phố và quản lý quy hoạch đô thị.

Bên cạnh, cần có sự điều phối tham gia của các ngành, phát huy được tính chủ động sáng tạo, đảm bảo không có sự chồng chéo, lặp lại, thực hiện độc lập theo từng ngành gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

THÀNH LONG