Nhà khoa học trẻ người Việt phát hiện 8 loài vi khuẩn mới

Cập nhật, 17:30, Thứ Bảy, 26/01/2019 (GMT+7)

Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1990, Hà Nội), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH New South Wales (Australia) mới đây đã phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới. Công trình nghiên cứu của 9X Việt gây ấn tượng mạnh với hội đồng khoa học, được tài trợ toàn bộ chi phí sang Đức để trình bày cùng với công trình của các giáo sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới đến từ ĐH Harvard, Stanford, MIT. 

 

Nguyễn Việt Hùng còn có điểm IELTS 9.0 ấn tượng, với điểm tuyệt đối ở 3 kỹ năng nghe, đọc, viết.
Nguyễn Việt Hùng còn có điểm IELTS 9.0 ấn tượng, với điểm tuyệt đối ở 3 kỹ năng nghe, đọc, viết.

Thông tin nhà khoa học 9X Nguyễn Việt Hùng phát hiện ra 8 loài vi khuẩn đang làm “nức lòng” giới nghiên cứu học cũng như cộng đồng người Việt Nam.

Cái tên Nguyễn Việt Hùng nhanh chóng trở thành “hiện tượng” được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ săn lùng bởi bên cạnh thành tích nghiên cứu khoa học cực kỳ ấn tượng, điểm IELTS tuyệt đối 9.0/9.0, anh chàng còn sở hữu chiều cao 1m80 và gương mặt điển trai.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông ngoại và bố là nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông, mẹ làm tài chính, Hùng sớm bộc lộ sở thích tìm tòi, đọc sách, nghiên cứu.

Lúc bé, Hùng cực kỳ yêu thích các loài Pokemon nên tìm hiểu đến mức thuộc làu về tính cách, đặc điểm của 51 loài Pokemon và được thưởng 200 USD khi viết bài gửi sang Mỹ.

Khi du học bậc cử nhân tại ĐH Queensland, do yêu cầu thực tế, Việt Hùng phải tập trung nghiên cứu di truyền học nhưng anh vẫn dành thời gian để theo dõi các vấn đề phát triển trong lĩnh vực vi sinh học. Thời gian này, Hùng hoàn thành dự án nghiên cứu trong lĩnh vực gien, kiểm tra việc chuyển gien di truyền ngang của các yếu tố kháng kháng sinh trong các vi khuẩn Staphylococcus kháng methicillin.

Lúc chuyển sang ĐH Macquarie ở Sydney, anh đã thử thách bản thân với việc nghiên cứu phản ứng của hàu ngọc trai đối với bệnh tật.

Hiện tại, anh vừa nghiên cứu tiến sĩ vừa giảng dạy tại ĐH New South Wales. Anh là du học sinh Việt Nam duy nhất theo học ngành học gien di truyền và sinh học phân tử- một ngành siêu khó khiến sinh viên bản địa cũng e ngại- và mỗi ngày 9X dành tới 9 tiếng cho việc nghiên cứu.

Mới đây, anh là người Việt Nam duy nhất được mời phát biểu tại hội nghị khoa học vi sinh ISME17- hội nghị khoa học lớn nhất trong ngành vi sinh học trên thế giới diễn ra ở Đức. Anh vinh dự được chọn vào danh sách 300 diễn giả có bài nghiên cứu được chọn trình bày trước hơn 2.000 đại biểu, nhà khoa học tại hội nghị chuyên đề sinh thái và vi sinh vật.

Hội thảo năm nay có 2.250 đại diện cho hơn 60 nước trên thế giới được mời tham dự. Với các hội nghị có quy mô như ISME17, việc các nghiên cứu sinh được chấp nhận làm diễn giả là vô cùng hiếm hoi. Nếu có thì chỉ được trình bày nghiên cứu thông qua một bài trình bày poster.Cho nên, việc anh được phát biểu trước một hội nghị khoa học lớn tầm cỡ thế giới là niềm vinh dự, tự hào lớn cho đại diện Việt Nam.

Nghiên cứu của Hùng đã phát hiện 8 loài vi khuẩn mới có ý nghĩa đặc biệt khi ứng dụng vào thực tế. Trao đổi với tờ Dân trí, Việt Hùng cho hay: “Ứng dụng của công trình là khi cần có thể cấy vi khuẩn để phát triển những yếu tố có lợi cho cây trồng, vật nuôi. Như ở ĐBSCL, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, các loài thủy sản nhóm giáp xác bị chết hàng loạt.

Nguyên nhân ban đầu là do sự thay đổi môi trường, phù sa nên vi khuẩn hữu ích trong môi trường đó mất đi kéo theo sự suy thoái chức năng sinh thái. Những chất như hydrogen sulfate hay ammonia có thể tăng lên mạnh, giết hết thủy sản đang nuôi. Khi đó có thể ứng dụng nghiên cứu để cấy ghép vi khuẩn có lợi, sống được trong môi trường này để tái tạo chức năng sinh thái cần thiết cho khu nuôi trồng”.

Phương pháp Hùng đã nghiên cứu cho phép tìm ra một môi trường riêng có tất cả ADN của các loài vi khuẩn. Có những con vi khuẩn lạ không thể tìm ra nhưng bằng công nghệ này cũng có thể phát hiện được. Đặc biệt, 8 loài vi khuẩn này thuộc 7 bộ hoàn toàn mới của lớp vi khuẩn Gammaproteobacteria- một phát hiện bất ngờ, khi mới có 14 bộ vi khuẩn Gammaproteobacteria được phát hiện bởi các nhà khoa học trong vòng 200 năm vừa qua.

Nghiên cứu mang tính phát hiện của Việt Hùng đã ấn tượng mạnh với hội đồng khoa học và họ đã quyết định tài trợ toàn bộ chi phí cho anh sang Đức để trình bày công trình nghiên cứu của mình, cùng với công trình của các giáo sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới đến từ Harvard, Stanford, MIT.

Không những vậy, cuối tháng 10 này, anh lại được mời sang Thượng Hải (Trung Quốc) để tiếp tục trình bày về luận án nghiên cứu của mình.

Khả năng tiếng Anh như người bản xứ cùng những thành tích ấn tượng của Hùng đã gây ấn tượng với đài truyền hình SBS của Úc. Chân dung chàng trai Việt được nhà đài phỏng vấn như một tấm gương sinh viên quốc tế thành công ở nước sở tại.

Với mong muốn chia sẻ kỹ năng kinh nghiệm tới các bạn trẻ, Hùng thường làm vlog chỉ ra các lỗi trong tiếng Anh. Ngoài ra, dự án Knowledge4Free được Hùng làm để kết nối, chia sẻ kiến thức từ các tài năng Việt Nam tài năng trên khắp năm châu.

Hé lộ về những dự định trong thời gian tới, Việt Hùng cho hay, anh muốn tìm ra các mối liên kết của vi khuẩn trên cơ thể chúng ký sinh là con người, tìm những loài vi khuẩn để biết loài nào tốt, loài nào cần thiết để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe con người.

Việt Hùng từng xuất sắc nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần từ 4 trường ĐH hàng đầu của Australia đó là: ĐH Sydney, ĐH Melboume, ĐH New South Wales và ĐH Macquarie. Cuối cùng, anh quyết định chọn ĐH New South Wales để bắt đầu chương trình tiến sĩ của mình và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc.

ĐÔNG PHƯƠNG (trích lược từ Dân trí)