Dấu vân tay nhân tạo có thể hack các thiết bị thông minh

Cập nhật, 05:13, Chủ Nhật, 06/01/2019 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH New York và ĐH Bang Michigan (Mỹ) vừa sử dụng hệ thống thông minh nhân tạo (AI) chế tạo thành công dấu vân tay nhân tạo- “DeepMasterPrints”- có thể dùng để thâm nhập vào nhiều thiết bị sử dụng hàng ngày.

Dấu vân tay nhân tạo hoạt động như một loại “chìa khóa vạn năng”, có khả năng mở khóa các smartphone được cài khóa bằng vân tay. Các hackers có thể dùng dấu vân tay nhân tạo này để tấn công, làm tổn hại tính bảo mật của hệ thống nhận diện dấu vân tay.

Tác giả Philip Bontrager, Aditi Roy, Julian Togelius, Nasir Memon và Arun Ross tạo ra DeepMasterPrints cho biết, cách dấu vân tay được nhận diện trên smartphone và nhiều thiết bị khác có vấn đề.

“Điện thoại và nhiều thiết bị khác không chụp toàn bộ dấu vân tay của bạn. Không có đủ không gian trên thiết bị, vì thế chúng chụp một phần dấu vân tay, không an toàn và đảm bảo như hình ảnh vân tay đầy đủ.

Người ta cho rằng thiết bị ghép hình ảnh của dấu vân tay họ với nhau nhưng không phải, nó vẫn giữ nguyên một phần dấu vân tay”- các nhà nghiên cứu cho biết.

Đối với mỗi dấu vân tay được lưu thay cho mật khẩu, thiết bị sẽ giữ nhiều hình ảnh. Nếu ai đó sử dụng ngón tay của họ để mở khóa thiết bị, họ chỉ cần khớp một trong các hình ảnh dấu vân tay được lưu trên hệ thống bảo mật.

“Nếu bạn lưu hình ảnh 3 ngón tay của mình, thiết bị có thể trữ khoảng 30 dấu vân tay chỉ có một phần. Với DeepMasterPrints, bạn chỉ cần tạo một vài dấu, khoảng 5-10 dấu, là đã vào được.

Chỉ cần DeepMasterPrints có tác dụng trên 1/5 số điện thoại thì đã là trò lừa đảo có lãi rồi”- các nhà nghiên cứu nói thêm.

Bất chấp các nhà nghiên cứu khẳng định như trên, giới phát triển phần mềm vẫn có cách để khiến thiết bị của họ khó hack hơn.

“Nghiên cứu đánh giá lỗ hổng trong hệ thống nhận dạng dấu vân tay là cuộc chạy đua liên tục giữa việc sửa và vá các lỗ hổng, tìm ra lỗ hổng mới. Điều quan trọng là giới nghiên cứu phải thăm dò lỗ hổng mới để chúng được sửa chữa”- theo tác giả Philip Bontrager.

HẢI HUỲNH (nguồn: InterestingEngineering)