Căn cứ trí tuệ nhân tạo dưới biển Đông?

Cập nhật, 11:53, Chủ Nhật, 09/12/2018 (GMT+7)

Trong tương lai, các phương tiện không người lái ngày càng xuất hiện nhiều ở biển Đông, do đó căn cứ trí tuệ nhân tạo là hoàn toàn có thể.   

Tàu ngầm không người lái Qianlong III của Trung Quốc là thiết bị có thể được dùng trong dự án căn cứ trí tuệ nhân tạo.Ảnh: Weibo
Tàu ngầm không người lái Qianlong III của Trung Quốc là thiết bị có thể được dùng trong dự án căn cứ trí tuệ nhân tạo.Ảnh: Weibo

Ngày 26/11, tờ SCMP dẫn nguồn tin từ các quan chức và nhà khoa học Trung Quốc cho biết, nước này đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ dưới đáy biển với các tàu ngầm không người lái nhằm phục vụ hoạt động khoa học và quân sự tại biển Đông. Trung tâm này có thể trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000- 11.000m. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD).

Bình luận về thông tin đăng tải trên tờ SCMP, ThS Hoàng Việt- thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông- cho biết, tại hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 10 vừa tổ chức hồi đầu tháng 11 tại Đà Nẵng,

các học giả đều tỏ ý lo ngại về khả năng thời gian tới phương tiện không người lái sẽ xuất hiện ở khu vực biển Đông cả trên không và dưới đáy biển. Trong khi đó, cho đến nay luật pháp quốc tế vẫn chưa có nhiều quy định cụ thể về vấn đề này.

“Các phương tiện không người lái ở trên không và dưới đáy biển khu vực biển Đông sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, do đó việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ trí tuệ nhân tạo dưới đáy biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra.

Đặc biệt, Trung Quốc đang là một trong những quốc gia sử dụng trí tuệ nhân tạo rất lớn trên thế giới.

Dù công nghệ phát triển của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế nhưng rõ ràng nó là một thành tựu của nước này. Cách tiếp cận của Trung Quốc ở biển Đông hoàn toàn khác với các quốc gia khác.

Nhiều quốc gia khác chỉ thuần túy vì mục đích khoa học hay phát triển khu vực nhưng Trung Quốc mang nhiều tham vọng về lãnh thổ khiến các quốc gia liên quan và có tranh chấp trên biển Đông lo ngại thực sự”- ThS Hoàng Việt chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia, với những thông tin đăng tải trên SCMP, chưa biết căn cứ trí tuệ nhân tạo mà Trung Quốc dự định xây dựng sẽ nằm ở vị trí nào dưới đáy biển Đông, trong khi một số nhà khoa học Trung Quốc dự đoán rằng, căn cứ này có thể được xây dựng ở khu vực rãnh Manila, gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines từ nhiều năm nay.

Ông nói: “Chưa thể biết được căn cứ này có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia có liên quan hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, Trung Quốc phải thông qua Ủy ban Quản lý đáy đại dương, theo Công ước Luật Biển 1982”.

ĐÔNG PHƯƠNG (Trích lược từ DVO)