Phương pháp mới loại bỏ trên 99% thủy ngân độc hại khỏi nước bị nhiễm

Cập nhật, 08:21, Thứ Bảy, 24/11/2018 (GMT+7)

Nước bị ô nhiễm với thủy ngân và các kim loại nặng độc hại khác là nguyên nhân chính gây hại về môi trường và các vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới.

Hiện các nhà nghiên cứu Trường ĐH Công nghệ Chalmers (Thụy Điển), trình bày một cách hoàn toàn mới giúp làm sạch nước bị ô nhiễm thông qua một quá trình điện hóa. Kết quả được công bố trên Tạp chí Khoa học Nature Communications.

“Kết quả của chúng tôi thực sự vượt quá mong đợi khi chúng tôi bắt đầu với kỹ thuật này”- nhà nghiên cứu Björn Wickman cho biết- “Phương pháp mới này làm giảm hàm lượng thủy ngân trong chất lỏng hơn 99%. Điều này có thể làm nước sạch trở lại để tiêu thụ an toàn”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thủy ngân là một trong những chất có hại nhất đối với sức khỏe con người. Nó có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sự phát triển của não và nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, nó có hại cho trẻ em, có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai. Hơn nữa, thủy ngân lan truyền rất dễ dàng trong tự nhiên và có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Cá nước ngọt là một ví dụ về chứa hàm lượng thủy ngân cao.

2 năm qua, Björn Wickman và Cristian Tunsu- nhà nghiên cứu Khoa Hóa học và Kỹ thuật hóa học thuộc Chalmers- đã nghiên cứu một quá trình điện hóa để làm sạch thủy ngân từ nước. Phương pháp của họ hoạt động thông qua việc tách các ion kim loại nặng ra khỏi nước bằng cách khuyến khích chúng tạo thành một hợp kim với một kim loại khác.

Phương pháp mới của họ liên quan đến một tấm kim loại- một điện cực- liên kết các kim loại nặng đặc biệt với nó.

Điện cực được làm bằng bạch kim quý và thông qua một quá trình điện hóa, nó hút thủy ngân độc hại ra khỏi nước để tạo thành một hợp kim của 2 loại. Bằng cách này, nước được làm sạch, hết ô nhiễm thủy ngân. Hợp kim được hình thành bởi 2 kim loại rất ổn định, vì vậy không có nguy cơ thủy ngân tái xâm nhập vào nước.

HẢI HUỲNH

(Nguồn: Journal Nature Communications)